Những năm gần đây, Đồng Tháp luôn được xếp vào nhóm đầu quốc gia về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và cải cách hành chính.
Tỉnh được đánh giá cao về mô hình cầu thị lắng nghe và chia sẻ với nhà đầu tư, đặc biệt trong việc cải cách hành chính và tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.
Tại hội nghị nói trên, bày tỏ sự lạc quan trước những bước đi sáng tạo, quyết liệt của tỉnh về thu hút mời gọi đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đồng Tháp cần phải tiếp tục phát huy những kết quả đạt được.
"Sau Tết Nguyên đán, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh có thể khánh thành. Đây là hai cây cầu quan trọng để nối liền Đồng Tháp với TP.HCM, cùng các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, điều chúng ta đã mong mỏi nhiều năm. Vì vậy, hãy cùng Đồng Tháp nhân rộng tinh thần muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thủ tướng nói và bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư lớn hãy như "những con sếu đầu đàn” vào Đồng Tháp.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan khẳng định, tỉnh đã chủ động cắt giảm hơn 50% thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; liên thông trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa các cơ quan để doanh nghiệp nộp thuế điện tử và tiến trình cải cách vẫn đang diễn ra.
Đề cập đến sự băn khoăn của nhà đầu tư về "tư duy nhiệm kỳ, chính sách nhiệm kỳ" sẽ gây trở ngại đến hoạt động kinh doanh, sản xuất, ông Hoan cũng cam kết sẽ không để sự ngắn hạn ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn và nhất định không để nhà đầu tư thất bại vì lý do này.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã trao quyết định chủ trương đầu tư 21 dự án và 16 dự án thỏa thuận ghi nhớ đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng vốn đăng ký gần 24.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong đó, Tập đoàn FLC ký cam kết ghi nhớ đầu tư bốn dự án lớn trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái và nông nghiệp, với tổng vốn lên tới 5.700 tỷ đồng.
Bốn dự án này bao gồm tổ hợp căn hộ khách sạn, trung tâm hội nghị và biệt thự cao cấp FLC Mỹ Phú; khu du lịch nghỉ dưỡng nông nghiệp FLC Sa Đéc; khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp FLC Tam Nông; và tổ hợp căn hộ khách sạn, trung tâm hội nghị, dịch vụ và biệt thự cao cấp FLC Cao Lãnh.
Các dự án nói trên đều dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Như vậy, sau hàng loạt tỉnh thành như Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh..., Đồng Tháp sẽ là địa điểm tiếp theo nằm trong kế hoạch nghiên cứu đầu tư của FLC.
“Với môi trường thông thoáng, minh bạch, chúng tôi hy vọng các dự án sẽ sớm được triển khai nhằm góp phần gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, tiên tiến, tại Đồng Tháp nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung", đại diện FLC trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị.