FTZ - Động lực phát triển Đà Nẵng

(PLVN) - Ngày 26/6/2024 được coi là một ngày đáng nhớ trong giai đoạn phát triển mới của Đà Nẵng, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Đà Nẵng có diện tích không lớn, nhưng lại có những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng.
Đà Nẵng có diện tích không lớn, nhưng lại có những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng.

Nghị quyết 136 có một điều đặc biệt, dành riêng một Điều 13 với 2883 chữ quy định về việc thành lập Khu thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) Đà Nẵng; quy định từ mục tiêu, thẩm quyền, trình tự thủ tục thành lập, chính sách về đất đai, ưu đãi đầu tư và thuế, ưu tiên về hải quan, việc đầu tư hạ tầng… với FTZ Đà Nẵng.

Bước đột phá chính sách với Đà Nẵng

Theo lộ trình, trong quý I/2025, đề án sẽ được các Bộ, ngành chức năng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập FTZ Đà Nẵng.

Trao đổi với Báo PLVN, ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, cho biết, mô hình FTZ chưa có hệ thống văn bản pháp lý quy định hoàn chỉnh. Nhưng các chính sách đặc thù vượt trội với FTZ Đà Nẵng được quy định trong Nghị quyết 136 là xung lực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của TP trong thời gian tới.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP phân tích, Đà Nẵng có diện tích không lớn, nhưng lại có những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng. TP nằm trong số rất ít địa phương có cả cảng biển quốc tế và cảng hàng không quốc tế. Các cảng biển của Đà Nẵng đều có vai trò trọng điểm trong khu vực miền Trung. Nhiều tuyến đường quan trọng của quốc gia đều đi qua Đà Nẵng.

Những yếu tố trên giúp TP có ưu điểm vượt trội về phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch, không chỉ trong nước mà còn ở khu vực Đông Nam Á. Đà Nẵng cũng có thế mạnh trong sản xuất, phát triển công nghệ cao; là điểm du lịch thu hút du khách hàng đầu cả nước.

“Đó là những tiền đề để đề xuất thí điểm thành lập FTZ Đà Nẵng, là bước đột phá trong các chính sách với TP; là cơ sở kỳ vọng góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và cả vùng”, ông Hòa nói.

Cùng quan điểm, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) khẳng định, Đà Nẵng từng có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng một số mô hình tương đồng với FTZ như khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Đây là một cơ sở quan trọng để nghiên cứu các chính sách mới, chuyên biệt hơn, nâng cao hơn cho FTZ, để phát triển thành công mô hình này, tạo xung lực phát triển mới, thúc đẩy hơn nữa vai trò của Đà Nẵng trong khu vực và cả nước.

Thách thức và cơ hội

Theo đề án, FTZ Đà Nẵng là 1 trong 12 quy hoạch phân khu của TP, tổng diện tích quy hoạch gần 1.300ha với những dự án đầu tư chiến lược như cảng Liên Chiểu; ga Kim Liên thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam; trung tâm logistic; khu công nghệ cao…

FTZ Đà Nẵng cũng tiếp giáp với các khu, điểm du lịch đang và sẽ định hình thương hiệu du lịch TP Đà Nẵng và miền Trung, từ đó có thể hình thành một khu vực năng động, có tiềm năng thu hút các tập đoàn quốc tế xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung gắn với các dịch vụ chất lượng cao; làm đa dạng hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với vai trò trung tâm miền Trung của TP Đà Nẵng.

Sân bay Đà Nẵng được đánh giá là 1 trong 10 sân bay được cải tiến nhất thế giới năm 2020.

Sân bay Đà Nẵng được đánh giá là 1 trong 10 sân bay được cải tiến nhất thế giới năm 2020.

Trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập FTZ Đà Nẵng, hơn 1 năm trời, TP đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, xin ý kiến các Bộ, ngành và nhiều địa phương. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng làm việc ngày đêm để TP có cơ sở trình Chính phủ chính sách đặc thù thí điểm thành lập FTZ.

Tuy nhiên, vì là tiên phong, thí điểm, nên sẽ có thể có những khó khăn chưa lường được hết. Trong đó, xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách hoàn toàn mới để áp dụng vào mô hình này trong thực tế là nhiệm vụ rất khó.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP đánh giá, Đà Nẵng sẽ phải tìm cách tận dụng hết tính ưu việt của mô hình này phục vụ cho phát triển chung. Nếu mô hình thành công, sẽ là cơ sở để lan tỏa cả nước. Nếu thành công một phần, cũng là kinh nghiệm quý giá để người làm chính sách hoàn thiện các quy định. “Để đưa chính sách vào hiện thực, công việc của Đà Nẵng sẽ nhiều hơn, vất vả hơn, nên phải quyết tâm cao hơn”, ông Hòa nói.

Một góc cảng Đà Nẵng.

Một góc cảng Đà Nẵng.

Trong bối cảnh Đà Nẵng cần phát triển hơn nữa để củng cố vị thế trung tâm kinh tế miền Trung, thì việc lập FTZ Đà Nẵng thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao; vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội mới với Đà Nẵng.

“Sự kiện FTZ Đà Nẵng được thành lập sẽ tạo ra “cú hích” tổng thể về kinh tế TP nói chung. Đây cũng sẽ là một điều kiện tiền đề để Đà Nẵng bước sang một trang mới trong lịch sử phát triển của TP. FTZ Đà Nẵng sẽ giúp phát triển các ngành công nghiệp, thúc đẩy lượng khách đến trao đổi, làm ăn, công tác, từ đó tạo ra sự cộng hưởng cho sự phát triển du lịch của TP. FTZ Đà Nẵng có những khu ưu đãi về thuế, sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách vì họ có cơ hội tiếp cận những hàng hóa chất lượng cao với chi phí hợp lý”.

(Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng)

Đọc thêm