Truyền hình thực tế dành cho trẻ em: Đừng đưa bé 'lên mây sống ảo'

(PLVN) - Để thu hút lượng view, một số ban giám khảo đã đưa các con “lên mây” với những lời khen khiến trẻ ảo giác là mình là một ngôi sao lớn. Có những đứa trẻ sau khi tham gia truyền hình thực tế, do không gây được thiện cảm với khán giả đã bị “tẩy chay”, bị bêu xấu trên mạng xã hội...

Các trẻ cần thi với sự tự nhiên, tâm lý thoải mái.
Các trẻ cần thi với sự tự nhiên, tâm lý thoải mái.

Lựa chọn những tài năng nhí nghệ thuật tham gia các dự án truyền thông, nói lên tiếng nói của trẻ em về các vấn đề xã hội liên quan trực tiếp tới trẻ em như vấn nạn bạo hành hay xâm hại - đó là mục tiêu mà một số chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em hướng tới. Tuy nhiên không ít ý kiến lo lắng mặt trái những chương trình này…

Trẻ em có thể tham gia các vấn đề xã hội

Vòng chung kết “Miss and Mister Future” dự kiến sẽ diễn ra 7 ngày, từ 4 đến 11/8/2019 tại Vĩnh Phúc. “Miss and Mister Future” được thực hiện theo fomat một chương trình truyền hình thực tế, dành cho trẻ tuổi từ 6 đến 15 trên toàn quốc.

Theo đạo diễn Huy Lio - Giám đốc sản xuất chương trình của cuộc thi, điều ban tổ chức (BTC) mong muốn thông qua chương trình này chính là mang đến cho các thí sinh những trải nghiệm thực sự bổ ích, phù hợp với lứa tuổi, giúp các em tự tin vào bảo thân và hoàn thiện mình hơn, để có sự phát triển tốt nhất về mọi mặt cho các em trong tương lai.

Không chỉ đào tạo các kỹ năng chuyên môn nghệ thuật nói chung và lĩnh vực người mẫu nhí và người đẹp trong tương lai nói riêng, chương trình còn hướng tới mục tiêu đào tạo nhiều các kỹ năng mềm như: thuyết trình, giao tiếp, ứng xử… nhằm giúp các tài năng trẻ có thêm sự tự tin và hoàn thiện bản thân.

Bên cạnh đó, BTC chương trình cũng đặt mục tiêu tìm kiếm những tài năng nghệ thuật, để có thể định hướng phát triển lâu dài trở thành những nghệ sĩ đa năng thực sự trong tương lai, đáp ứng cả về tài năng lẫn tư cách, đạo đức và lối sống.

Đồng thời các gương mặt xuất sắc của chương trình cũng được lựa chọn nhằm đại diện, tham gia các dự án truyền thông, nói lên tiếng nói của trẻ em về các vấn đề xã hội liên quan trực tiếp tới trẻ em như vấn nạn bạo hành hay xâm hại.

Đảm nhận vai trò giám khảo vòng casting phía Bắc là Hoa khôi Phụ nữ Việt Nam qua ảnh - Miss Photo 2017 Vũ Hương Giang, Hoa khôi Tuổi trẻ Vĩnh Phúc 2012 Hoàng Diệu Linh và đạo diễn Huy Lio.

Toàn bộ quá trình hoạt động của các thí sinh và đêm Gala chung kết sẽ được ghi hình và biên tập trong 10-12 tập truyền hình thực tế, mỗi tập dài 45 phút, dự kiến phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc và nhiều đài truyền hình khác.

Có thể thấy, chục năm qua, ước tính có vài chục chương trình (gồm game show, truyền hình thực tế) dành cho trẻ em lần lượt phát sóng trên các kênh truyền hình vào “giờ vàng” các ngày trong tuần. Có thể kể như “Gương mặt thân quen nhí”, “Người hùng tí hon”, “Siêu đầu bếp nhí”, “Siêu nhí tranh tài”, “Bố ơi! Mình đi đâu thế”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Con biết tuốt”, “Trẻ em luôn đúng”, “Con đã lớn khôn”, “Ước mơ của em”, “Siêu mẫu nhí”, “Chung sức nhí”, “Tìm kiếm tài năng MC nhí”, “Giọng hát Việt nhí”, “Tìm kiếm tài năng nhí”, “Thử thách cùng bước nhảy nhí”... dành cho trẻ em từ 1-14 tuổi, tập trung ở các lĩnh vực ca hát, nhảy múa, thời trang, hài... được phát sóng trên các kênh truyền hình quốc gia, truyền hình địa phương. 

Trong bối cảnh trẻ em Việt Nam đang thiếu không gian giải trí, việc tạo ra những sân chơi nghệ thuật cho các em là hướng đi đáng để đầu tư và cần được quan tâm đúng mức.

Chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh “sạn”

Tuy nhiên, thời gian qua, có không ít người lo ngại, việc trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm, được lăng-xê tên tuổi, trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm là điều phản giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.

Sự hồn nhiên, ngây thơ của các em đã bị bàn tay nhào nặn của người lớn "đánh cắp", thay vào đó là buộc các em phải lớn trước tuổi từ phong cách biểu diễn tới những bài hát không phù hợp lứa tuổi, thậm chí nói tiếng Việt còn chưa sõi hẳn mà đã phải hát tiếng Anh...

Chưa kể những câu trả lời mang phong thái “người lớn” với ban giám khảo và khán giả đã được “mớm lời” từ trước. Để thu hút lượng view, một số ban giám khảo đã đưa các con “lên mây” với những lời khen: “Con là một thần đồng âm nhạc”, “Giọng hát của con trên cả tuyệt vời”, “Phong thái của con như một ngôi sao quốc tế thực thụ”… khiến trẻ ảo giác là mình là một ngôi sao lớn. 

Có những đứa trẻ sau khi tham gia truyền hình thực tế, do không gây được thiện cảm với khán giả đã bị “tẩy chay”, bị bêu xấu trên mạng xã hội. Ngay cả khi là quán quân, một số trẻ vẫn phải đối mặt với scandal.

Ví như: Quang Anh đã phải nhận không ít "gạch đá" từ cư dân mạng vì lấy hoàn cảnh khó khăn để “câu” lòng thương của khán giả, bê trễ học hành để chạy show nuôi gia đình, hay bị cho là "chảnh", "vô ơn" với huấn luyện viên... Tâm lý những đứa trẻ khá non nớt, làm sao có thể dễ dàng đối mặt với những lời đồn, bình luận không thiện cảm, thậm chí quái ác?

Để tránh “vết xe đổ”, theo đạo diễn Huy Lio, BTC của “Miss and Mister Future” sẽ mời các chuyên gia tâm lý về trò chuyện, đào tạo kỹ năng cho trẻ. “Miss and Mister Future” chú trọng tính giáo dục. BTC cố gắng giảm thiểu đến mức tối đa scandal ảnh hưởng đến trẻ.

“Chúng tôi chấp nhận có thể ít hấp dẫn, lượng tương tác có thể ít hơn một số chương trình khác, nhưng điều quan trọng hàng đầu chương trình hướng tới là nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn trẻ em”- đạo diễn Huy Lio khẳng định.

Ngoài ra, BTC cũng trao đổi với các phụ huynh để họ hiểu rõ làm thế nào giữ sức cho con, cho các bé cân bằng giữa nghỉ ngơi, học tập. Còn chuyện thi thố phải để mọi thứ diễn ra tự nhiên với tâm lý thoải mái. 

Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm và thời lượng dành cho trẻ em, đồng thời cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.

Trong đó, các nội dung rất được quan tâm là hướng dẫn trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và kỹ năng an toàn; giáo dục giới tính, sức khỏe, dinh dưỡng; tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em...

Về thời lượng và khung giờ phát sóng, đặc biệt với các chương trình khoa giáo, phổ biến kiến thức, cần ưu tiên khung giờ 6-7 giờ 30, 12-13 giờ 30 hoặc 17 giờ 30-19 giờ; các chương trình giải trí, ca nhạc, văn nghệ, kể chuyện, phim hoạt hình, trò chơi... ưu tiên khung giờ 18-21 giờ.

Đọc thêm