Gameshow hẹn hò: Tình yêu “trị giá” bao nhiêu?

(PLO) - Bất cần khán giả có “ném đá”, cơ quan chức năng có cảnh cáo, chương trình hay hay dở, phản cảm hay ít mang tính giáo dục, có phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt hay không, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục “nhập khẩu” các phiên bản mới cho các game show hẹn hò.
“Sáng tạo” hóa trang “kinh dị” cho người tham dự, các thí sinh quay ra soi mói, chỉ trích cơ thể nhau
“Sáng tạo” hóa trang “kinh dị” cho người tham dự, các thí sinh quay ra soi mói, chỉ trích cơ thể nhau

Yêu anh hay yêu nhẫn của anh?

Trong một phân cảnh cầu hôn lãng mạn của show hẹn hò The Bachelor – Anh chàng độc thân, khi chàng trai đeo chiếc nhẫn vào tay cô gái, thay vì câu nói “Em đồng ý” trong sự nghẹn ngào, hạnh phúc của một tình yêu thực sự ngoài đời thường; cô gái nhìn chằm chằm vào chiếc nhẫn, không kiềm nổi sự bất ngờ và rơi nước mắt: “Em cảm ơn anh, cảm ơn anh rất nhiều”.  Vậy lời cảm ơn của cô gái dành cho chàng trai này phải chăng là bởi chiếc nhẫn đắt tiền kia hay bởi “tình yêu cháy bỏng” của anh ta dành cho cô nhiều hơn những cô gái khác?

Mô típ chàng trai trẻ, đẹp trai, độc thân, nhà giàu được tranh giành bởi nhiều cô gái trẻ, đẹp vốn không mới. Qua vài cuộc nói chuyện, hẹn hò, tiệc tùng … các thí sinh nữ bị loại dần, đến khi chỉ còn sót lại một cô và cô gái đó sẽ được cầu hôn. Vậy theo logic của anh chàng độc thân, bởi cô ấy là người cuối cùng còn sót lại nên cô ấy chính là người phụ nữ anh ta cần, đồng thời, cô ấy có đủ những phẩm chất của một người vợ mà anh ta tìm kiếm; vì thế đó sẽ là người yêu và người vợ của anh ta. Vậy đây đúng là định mệnh hay chỉ là một sự gượng ép về mặt suy nghĩ và tình cảm?   

Theo tờ Chicago Reader, những truyền hình thực tế hẹn hò dựa trên lối suy luận lỏng lẻo, áp đặt, sai lệch về tình yêu; thu hút sự chú ý của khán giả bằng những hình ảnh quá mức lý tưởng như con trai thì phải nhà giàu, đẹp trai, cao to; con gái thì phải xinh xắn, cơ thể đẹp; không gian hẹn hò phải lãng mạn, đẹp đẽ như trong mơ hoặc ít thấy trong đời thực. Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng những thủ đoạn, đấu đá, tranh giành kịch tính giữa các cô gái, chàng trai, kèm theo những cảm xúc vui, buồn, mừng, giận đúng lúc. Như thế, những người tham dự chẳng khác gì “những con khỉ trong rạp xiếc” bị đưa lên “mua vui cho thiên hạ”, “con người chẳng khác gì một món hàng hóa”. 

Trên thực thế, ngoài những bê bối liên quan đến dàn dựng kịch bản, nội dung phản cảm dung tục, nhiều gameshow hẹn hò trên thế giới còn vướng phải những bê bối tình dục giữa các thí sinh, thậm chí có những nhà đài còn trả tiền cho thí sinh kết hôn giả, con giả để tiếp tục “thỏa mãn” người xem. 

Khán giả càng nghi ngờ khi người nổi tiếng cũng tham gia gameshow hẹn hò, nhằm câu view, lăng xê cá nhân
Khán giả càng nghi ngờ khi người nổi tiếng cũng tham gia gameshow hẹn hò, nhằm câu view, lăng xê cá nhân

Se duyên hay vô duyên?

Bất cần khán giả có “ném đá”, cơ quan chức năng có cảnh cáo, chương trình hay hay dở, phản cảm hay ít mang tính giáo dục, có phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt hay không, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục “nhập khẩu” các phiên bản mới cho các game show hẹn hò từ các nước Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Đức... Ví như: Vì yêu mà đến, Yêu là chọn, Khúc hát se duyên, Lựa chọn của trái tim, Giai điệu chung đôi, Mảnh ghép tình yêu, Yêu là cưới, Đúng là một đôi, Phiên tòa tình yêu, Hẹn ngày đi, Đại chiến kén rể, Cho phép được yêu, Tần số tình yêu, Anh chàng độc thân, Một nửa hoàn mỹ, Quý cô hoàn hảo, Ẩm thực kỳ duyên... Ở đó, thí sinh tham gia nhằm tìm kiếm tình yêu thực sự. Song, đã là cuộc thi thì phải có người thắng người thua, đối với người thắng, điều mà họ “giành” được đó có thật là tình yêu thực sự hay chỉ không hơn là một phần thưởng cho người thắng cuộc?

Thực tế cho thấy, nhiều chương trình khi về Việt Nam, đã nhận không ít “gạch đá” từ khán giả bởi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, sa đà vào hài nhảm, chiêu trò, không phản ánh đúng đời thực mà còn cổ súy cho quan niệm sai lệch về giới tính và tình yêu, ví như chạy theo vật chất, hám danh tiếng, trọng nhan sắc, thiếu cảnh giác với người lạ mặt...

Ví dụ, trong “Cuộc phán xử tình yêu”, khách mời được “cầm trịch” phán xét chuyện tình yêu và lựa ra cho mình người được cho là hoàn hảo nhất. Trong “Quý cô hoàn hảo”, các “nàng dâu tương lai” không ngần ngại chỉ trích các bà “mẹ chồng”, nhận nhiều phản đối từ cộng đồng mạng bởi ứng xử “vô học, thiếu lịch sự”. Tương tự, trong “Lựa chọn của trái tim”, các cặp đôi dù bị hóa trang xấu xí nhằm “tìm thấy sự đồng điệu về tâm hồn” thì họ quay ra soi mói cơ thể, khuyết điểm của nhau. Nhiều chàng trai bị từ chối từ cô này đến cô khác, bèn quay ra “trả thù” khi được ngồi trên “ghế nóng” để chê bai, bình phẩm lại. Còn với gameshow “Khúc hát se duyên” được “ưu ái” phát sóng vào “khung giờ vàng”, khán giả còn không thể hiểu nổi các cô gái lựa chọn đối tượng trọn đời kiểu gì chỉ thông qua “vài bài hát, mấy trò chơi vô nghĩa”. Gameshow “Date & Kiss” còn bị Bộ Thông tin và Truyền thông “tuýt còi” bởi những cảnh đụng chạm dung tục, phản cảm.

Những màn tỏ tình sống sượng, sến sẩm đã khiến phần đông khán giả “ngán ngẩm” cho rằng đó là một dạng hài nhảm lên truyền hình, càng bộc lộ những tính xấu cùng suy nghĩ thiển cận của giới trẻ ngày nay. Người xem cũng tò mò đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của gameshow này được phát sóng để làm gì hay mục đích chỉ là chiêu trò thu hút lợi nhuận, lăng xê cá nhân mà bất chấp tất cả. 

Mặc khác, nhằm đáp ứng nhu cầu có thật của những người độc thân hiện nay muốn tìm người bạn đời phù hợp trong bối cảnh cuộc sống bận rộn mưu sinh, tỉ lệ thành công của các gameshow hẹn hò cũng không mấy khả quan. Ví dụ, ổn định nhất phải nói tới gameshow “Bạn muốn hẹn hò”, với hơn 300 tập phát sóng, sau gần 4 năm lên sóng nhưng cũng chỉ mai mối thành công cho hơn 450 cặp đôi, trong đó chỉ có 33 cặp đã thành hôn (7%). “Love Bus” cũng ghi nhận 96 lời tỏ tình, chỉ có 2 đám cưới (chỉ khoảng 2%). 

Gameshow date and kiss bị Bộ Thông tin và Truyền thông tuýt còi vì cảnh đụng chạm dung tục, phản cảm
Gameshow date and kiss bị Bộ Thông tin và Truyền thông tuýt còi vì cảnh đụng chạm dung tục, phản cảm

Hẹn hò với người lạ, nguy hiểm không?

Sau giai đoạn đầu phát “sốt”, nửa cuối năm 2018 là lúc mà các show hẹn hò tỏ ra đuối sức về kịch bản và người tham gia. Nhưng khi các game show hẹn hò trên truyền hình thoái trào thì các nhà sản xuất bắt đầu tính đến chuyện mở rộng loại hình dịch vụ này ra đời thực. 

Chương trình tiên phong của loại hình này là Bạn muốn hẹn hò và offline (gặp gỡ thực tế) là hình thức nối dài của phiên bản đang phát sóng trên Đài Truyền hình TPHCM. Chương trình này đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ khá lớn từ giới trẻ. Song, khác với những gameshow hẹn hò trên truyền hình còn được kiểm duyệt nội dung và hình thức, rất khó để kiểm soát những hình thức gameshow hẹn hò offline nếu người tham dự không cảnh giác từ việc gặp gỡ, đụng chạm, trao đổi thông tin với người lạ mặt, tiềm tàng nhiều nguy hiểm với các bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm xã hội, đặc biệt là các bạn nữ.  

Thực trạng cho thấy, nhiều loại hình dịch vụ mai mối hẹn hò ngày càng rầm rộ và được người trẻ quan tâm, tiếp nhận không chỉ trên truyền hình mà còn trên Internet, ngoài đời thực do đánh trúng tâm lý những người hiện đại ngày càng đang cô đơn, khát khao tìm kiếm “nửa kia”. Nhưng cũng từ những luồng ý kiến trái chiều, khán giả đang dần nhận thấy gameshow hẹn hò cũng đơn thuần là giải trí và “vui là chính”. Bởi tình yêu thực sự luôn cần sự nghiêm túc, chân thành và thời gian tìm hiểu. Như đại văn hào William Shakespeare, “bậc thầy ái tình của nhân loại”, từng viết: “Tình yêu là đốm lửa của cuộc sống, là sự thăng hoa của tình bạn, là sự hợp nhất của tâm hồn. Nếu nói cảm tình của nhân loại có thể phân biệt đẳng cấp, tình yêu luôn thuộc về một cấp cao nhất”.