Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 7/9, ngành GD&ĐT trên cả nước có tổng số 13.870 bệnh nhân COVID-19, trong đó khối đại học có 257 cán bộ, giảng viên và 1.028 sinh viên; khối giáo dục phổ thông có 9.742 học sinh và 2.843 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
TP HCM là địa phương có số ca bệnh nhiều nhất với 8.141 học sinh và 2.496 giáo viên.
Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trong đó yêu cầu các cơ sở GD&ĐT kiểm tra, rà soát những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để phối hợp với chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ.
"Tuyệt đối không để có học sinh thiếu ăn, thiếu mặc, giúp các em được tham gia đầy đủ các hình thức học tập, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau", văn bản nêu.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện; trường đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên (HSSV) bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, cần phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh, đặc biệt là các em đang ở các địa phương khác do dịch bệnh COVID-19 chưa thể trở về gia đình để tham gia học tập khi các em gặp các vấn đề về tâm lý, về an sinh; xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi học sinh cần hỗ trợ, giúp đỡ.
Khuyến khích giáo viên, học sinh ghi các video clip chia sẻ kinh nghiệm hay trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong việc dạy và học ở điều kiện phòng chống dịch; các kỹ năng phòng chống xâm hại, bắt nạt qua mạng… Lựa chọn và đăng tải nội dung tốt lên các website, các fanpage, các ứng dụng trực tuyến, hệ thống tin nhắn của nhà trường để tuyên truyền và lan tỏa...