Phát biểu tại hội thảo, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật cho biết, trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, Chiến lược cải cách tư pháp..., công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, tình trạng các văn bản QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn còn nhiều gây khó khăn, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Cạnh đó, nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN giai đoạn hiện nay đang đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tố chức thi hành pháp luật...
Trước tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chỉ đạo: “Căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và những vấn đề thực tế đã đặt ra, đồng thời để nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc rà soát các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện và khắc phục những vướng mắc trong hệ thống pháp luật, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề hoặc lĩnh vực và có báo cáo chung về kết quả rà soát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2020”.
Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt ký Báo cáo số 442 của Chính phủ về kết quả rà soát.
Cụ thể hơn về một số kết quả rà soát thể hiện trong Báo cáo 442, ông Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật cho biết, tổng số văn bản đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Nhóm rà soát của Tổ công tác rà soát là 8779 văn bản. Bao gồm: 249 Bộ luật, Luật; 43 Nghị quyết của Quốc hội; 44 Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1163 Nghị định của Chính phủ; 866 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6414 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Kết quả rà soát của các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Phát hiện hàng trăm văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp.
Kết quả rà soát của Tổ công tác: Phát hiện hơn 100 quy định liên quan trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp (đã báo cáo Quốc hội).
Ngoài ra, Tổ công tác đã tiếp nhận hơn 100 văn bản phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp. Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp thấy rằng, trong đó có nhiều phản ánh chưa đúng - các quy định không có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp mà là do cách hiểu hoặc nhận thức pháp luật chưa thống nhất...
Hội thảo cũng đưa ra kiến nghị, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của các Bộ ngành. Theo đó, Các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng cần thực hiện rà soát lại và phân tích, đánh giá những qui định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo qui định. Đồng thời thực hiện nghiêm Luật Ban hành Văn bản BQPPL và Nghị định 34/2016 để hạn chế phát sinh các qui định có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp…
Theo Hội thảo, đây là đợt rà soát lớn đi vào chiều rộng, lẫn chiều sâu nên đã phát hiện số lượng lớn văn bản chồng chéo, bất cập. Tuy nhiên, công việc rà soát VBQPPL này là công việc thường xuyên của cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tư pháp, do vậy, để không ngừng nâng cao hiệu quả rà soát, Bộ vẫn tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác này. Đồng thời, Bộ cũng mong muốn các cá nhân, tổ chức tiếp tục hỗ trợ, phản ánh các bất cập, chồng chéo của văn bản QPPL để Bộ xem xét, rà soát...