Gần 900 trường hợp “đã chết vẫn khám bệnh“: Bộ y tế cho rằng lỗi đánh máy

(PLVN) - Bộ Y tế cho biết, có 826 trường hợp sau khi đã chết vẫn phát sinh 1780 lượt KBCB bằng BHYT, với số tiền lên đến 7,58 tỷ đồng.

Theo thông tin đăng trên ANTĐ, Bộ Y tế vừa có văn bản số 7308/BYT- BH gửi sang BHXH Việt Nam phản hồi về thông tin phát sinh chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) sau chết.

Văn bản của Bộ Y tế thể hiện: Đã nhận được phản ánh của BHXH Việt Nam (ngày 30-9-2019) về việc kiểm tra dữ liệu hưởng BHXH, dữ liệu thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019. Qua kiểm tra, đã phát hiện tại 59 tỉnh, thành phố, có 826 trường hợp đã chết vẫn phát sinh 1.780 lượt khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT với số tiền lên đến 7,58 tỷ đồng.

Ngày 28-10-2019, Bộ Y tế tiếp tục nhận được công văn của BHXH Việt Nam báo cáo tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Theo đó, sau khi kiểm tra, xác minh có 58 trường hợp vi phạm, phát sinh 67 lượt khám bệnh, chữa bệnh sau khi tử vong với tổng chi phí từ BHYT hơn 59 triệu đồng. 

Sau khi nhận được công văn, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/ thành, các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc và y tế các Bộ, ngành kiểm tra, xác minh những thông tin do BHXH Việt Nam cung cấp.

Đến nay, Bộ Y tế đã nhận được thông tin báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của 53/59 Sở Y tế, 12 cơ sở y tế trực thuộc các Bộ ngành. Kết quả xác minh cho thấy, có 650/826 trường hợp đúng thông tin như phản ánh của BHXH Việt Nam, 176 trường hợp còn lại chưa có thông tin.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ Y tế cho rằng: Tổng hợp kết quả kiểm tra, xác minh thông tin của 650 trường hợp có phát sinh chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT sau khi chết cho thấy, lỗi của nhân viên cơ quan BHXH hoặc bưu điện (đại lý của BHXH) là 575/650 trường hợp, chiếm 88,4%.

Cụ thể, nhân viên nhập sai dữ liệu thông tin hoặc phần mềm tự động “nhảy” về ngày đầu tiên (ngày 1) của tháng về ngày chết của bệnh nhân. Thực tế này dẫn đến khi thống kê trên phần mềm đã phát sinh chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cả người đã chết, hoặc lỗi do cơ quan BHXH đồng bộ sai mã số BHXH của người còn sống với người đã chết.

Bộ Y tế dẫn ví dụ cá biệt là trường hợp tại tỉnh Vĩnh Phúc, bệnh nhân Hà Thị Th., có 18 lần phát sinh chi phí khám bệnh, chữa bệnh với tổng chi phí tới trên 155 triệu đồng. Ngày mất của bệnh nhân này trên cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH là năm 2007, tuy nhiên ngày mất thực tế theo trích lục khai tử tại địa phương là 7-6-2019.

Lỗi thứ hai dẫn đến hàng trăm người đã chết vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT, theo Bộ Y tế, là do người nhà sử dụng thẻ của người bệnh đã chết. Khi xác minh có 13/650 trường hợp xảy ra lỗi này, chiếm 2%.

Lỗi thứ ba là lỗi do nhân viên y tế sử dụng thẻ BHYT (hoặc dữ liệu thẻ) của người bệnh để gian lận, trục lợi quỹ BHYT. Lỗi này xảy ra với 13/650 trường hợp, chiếm 2%.

Lỗi thứ tư là lỗi do nhân viên y tế thao tác sai trên phần mềm HIV hoặc lỗi trong quá trình trích chuyển dữ liệu dẫn đến sai thông tin khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân (chiếm 2,46%).

Lỗi thứ năm là lỗi do người nhà bệnh nhân cung cấp sai thông tin ngày mất của bệnh nhân (chiếm 2,62%).

Lỗi thứ sáu được Bộ Y tế chỉ ra là lỗi do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không kiểm soát thủ tục chặt chẽ (lỗi quy trình), lỗi này chiếm tỷ lệ 0,62%...

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thống kê nhầm dữ liệu BHXH của tỉnh khác (11/650 trường hợp).

Trước đó, theo Tuổi trẻ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN gửi Bộ Y tế để làm rõ và xử lý 36 trường hợp khám chữa bệnh sau ngày tử vong được cơ quan bảo hiểm thống kê lại trong thời gian gần đây.

Cụ thể, có 2 trường hợp sau khi người bệnh tử vong tại nhà, nhân viên bệnh viện tiếp tục ghi chỉ định chạy thận nhân tạo và thuốc tăng sinh hồng cầu, thống kê trên hồ sơ bệnh án và đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bệnh viện đa khoa Bình Định và Bệnh viện 115 (Nghệ An).

Một trường hợp khác được người nhà đăng ký khám chữa bệnh, nhưng thực tế người bệnh đã tử vong. Tuy nhiên Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vẫn lập hồ sơ thanh toán BHYT.

Đặc biệt, có bốn trường hợp vẫn lập hồ sơ thanh toán BHYT sau khi người bệnh đã tử vong tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), Bệnh viện đa khoa Hưng Nhân (Thái Bình) và Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh.

Tại Hà Tĩnh, người bệnh đã tử vong ngày 2-6-2019, nhưng từ ngày 3 đến ngày 28-6 vẫn tiếp tục đề nghị BHXH thanh toán 12 lượt khám, chữa bệnh với số tiền trên 8,5 triệu đồng. Ngoài ra, có 26 người nhà dùng thẻ BHYT của người đã mất tiếp tục khám chữa bệnh. 

Bảo hiểm xã hội VN cũng cho biết có 16 người đề nghị thanh toán đẻ thường hoặc mổ đẻ, trong khi trước đó đã cắt tử cung. Sau này xác định là chủ thẻ cho mượn thẻ BHYT, có một người ở Cà Mau còn cho tới 2 người mượn thẻ. Bảo hiểm xã hội VN đề nghị Bộ Y tế xác minh, làm rõ các bất thường này, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh hành vi trục lợi BHYT.

Còn theo phản ánh của VTC,  tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, có trường hợp bệnh nhân dù qua đời từ ngày 2/6/2019 nhưng liên tiếp các ngày sau đó từ 3/6 đến 28/6 trên hồ sơ vẫn tiếp tục đề nghị BHXH thanh toán 12 lượt khám/chữa bệnh với số tiền hơn 8,5 triệu đồng.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định ghi nhận trường hợp bệnh nhân trước đó qua đời tại nhà, nhưng trên hồ sơ bệnh án vẫn có đề nghị thanh toán BHYT.

Một trường hợp khác tại Phú Thọ được người nhà đăng ký khám chữa bệnh dù thực tế người này đã chết không đến khám, song vẫn được Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ) lập hồ sơ thanh toán BHYT.

Ngoài ra, theo BHXH Việt Nam, vừa qua có tới 26 trường hợp người nhà dùng thẻ BHYT của người đã chết để tiếp tục khám/chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm.

Thậm chí 16 trường hợp đề nghị thanh toán đẻ thường, mổ đẻ dù trước đó đã cắt tử cung.

Đại diện BHXH Việt Nam cũng phát hiện nhiều trường hợp mượn thẻ BHXH của người khác đi khám bệnh tại Cà Mau./.

Đọc thêm