Gắn kết công nghệ với truyền thông thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của báo chí

(PLVN) - Theo đánh giá của các chuyên gia, việc gắn kết các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và báo chí trong một bộ quản lý nhà nước thống nhất sẽ tạo ra nhiều tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của báo chí, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Chính phủ đã có kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. (Ảnh minh họa: Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024)
Chính phủ đã có kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. (Ảnh minh họa: Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024)

Công nghệ tạo sức bật mới cho báo chí

Ngày 6/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 (Ban Chỉ đạo của Chính phủ) đã ký ban hành Kế hoạch 141 sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Theo Kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Khoa học và Công nghệ được xác định sẽ hợp nhất thành một bộ mới. Bộ này sẽ đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các chuyên gia cho rằng, việc gắn kết các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và báo chí trong một bộ quản lý nhà nước thống nhất sẽ tạo ra nhiều tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của báo chí, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.

Trước hết, điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào báo chí. Việc kết hợp công nghệ sẽ giúp báo chí nhanh chóng chuyển đổi số, từ quy trình sản xuất nội dung đến cách thức tiếp cận độc giả. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây sẽ hỗ trợ phân tích hành vi người đọc, tối ưu hóa nội dung và cải thiện trải nghiệm người dùng.

Với công nghệ song hành, báo chí cũng sẽ được tiếp cận trực tiếp những công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện để thử nghiệm các hình thức mới như báo chí đa phương tiện (multimedia), thực tế ảo (VR) hoặc tương tác trực tuyến. Việc kết hợp quản lý báo chí với công nghệ còn giúp xây dựng hệ thống kiểm soát thông tin chặt chẽ hơn, hạn chế thông tin sai lệch (fake news) và bảo vệ quyền lợi của độc giả.

Riêng với phát thanh và truyền hình - những hình thức báo chí truyền thống - cũng không thể tách rời hạ tầng số. Hệ thống cáp quang, vệ tinh, tần số vô tuyến điện và internet chính là nền tảng để phát triển mạnh mẽ các loại hình này. Việc quản lý và phát triển phát thanh, truyền hình đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.

Bảo vệ chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng

Sự gắn kết giữa các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và báo chí đang trở thành một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng và sự phát triển không ngừng của môi trường truyền thông số. Việc hợp nhất quản lý giữa các lĩnh vực này không chỉ tối ưu hóa nguồn lực mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để báo chí và truyền thông phát triển, đồng thời bảo vệ chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng.

Chuyển đổi số báo chí, truyền thông là yêu cầu khách quan trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh minh họa: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Chuyển đổi số báo chí, truyền thông là yêu cầu khách quan trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh minh họa: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Hiện nay, tất cả các cơ quan báo chí cơ bản đã hoạt động trong môi trường số. Quá trình quản lý, giám sát tuân thủ pháp luật đối với báo chí phụ thuộc lớn vào hạ tầng và công nghệ số. Các công nghệ như AI, Big Data và các nền tảng phân tích dữ liệu giúp báo chí không chỉ nắm bắt xu hướng thông tin mà còn định hướng dư luận, đấu tranh chống lại thông tin xấu độc và giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.

Trong thời đại số, mỗi người dân đều có thể trở thành một nhà báo thông qua mạng xã hội và các nền tảng truyền thông trực tuyến. Điều này mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn đối với việc quản lý truyền thông. Các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube hay Tiktok với hàng triệu người dùng tại Việt Nam, nếu không được kiểm soát tốt có thể trở thành mối nguy hại cho an ninh thông tin và an toàn chế độ chính trị của đất nước.

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ vào kiểm duyệt nội dung trên báo chí và mạng xã hội có thể giảm thiểu việc duy trì bộ máy kiểm duyệt cồng kềnh nếu sử dụng con người. Lấy ví dụ từ các nền tảng lớn như Facebook, khối lượng nội dung được đăng tải mỗi ngày lớn gấp hàng triệu lần so với một tờ báo, nhưng số lượng nhân sự tham gia kiểm duyệt lại rất khiêm tốn. Tương tự, Tiktok cũng dựa vào các thuật toán và công nghệ AI để kiểm soát nội dung thay vì sử dụng lực lượng lớn nhân sự. Điều này cho thấy, nếu biết tận dụng sức mạnh của công nghệ, việc kiểm duyệt không chỉ trở nên hiệu quả hơn mà còn tiết kiệm nguồn lực đáng kể.

Có thể thấy, hạ tầng số chính là chìa khóa để quản lý hiệu quả không gian mạng. Thực tế đã chứng minh, nhờ sự quản lý chặt chẽ đối với hạ tầng số như mạng viễn thông và internet, các nền tảng lớn đã tuân thủ pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ thông tin xấu độc và thực hiện đóng thuế đầy đủ theo quy định.

Nhìn chung, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của hạ tầng và công nghệ số. Vì vậy, nếu tách các lĩnh vực hạ tầng số, chuyển đổi số khỏi truyền thông số sẽ làm hạn chế, suy giảm hiệu quả quản lý thông tin trên không gian mạng, có thể ảnh hưởng đến việc giữ vững chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng, đồng thời hạn chế sự phát triển và hiệu quả hoạt động của báo chí, truyền thông.

Đọc thêm