Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong có xu hướng tăng
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh giới hạn lưu lượng đường thở, thường kết hợp với đáp ứng viêm mạn tính ở đường thở và nhu mô phổi do các hạt và khí độc hại. Bệnh có tính chất dai dẳng và tiến triển theo thời gian với các giai đoạn và các triệu chứng khác nhau.
Điển hình là các triệu chứng như ho, ho có đờm (ban đầu ít và loãng, sau nhiều, đặc hơn, giai đoạn cuối có thể đổi màu và có mủ), khó thở, người mệt mỏi,… Nếu không được điều trị kịp thời bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra các biến chứng như suy hô hấp, suy tim, ung thư phổi,… có thể dẫn tới tử vong.
Phát biểu tại “Lễ mít tinh ngày hội truyền thông: tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Ở Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.
Bên cạnh đó, COPD là một bệnh hô hấp không lây nhiễm đã có nhiều thành tựu trong quản lý bệnh, tuy nhiên theo dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Có thể nói hiện nay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng như các bệnh không lây nhiễm khác đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh, gây ra tàn phế, tử vong và các gánh nặng kinh tế cho gia đình”.
Hiện nay, bệnh nhân COPD chiếm 25% số giường trong các khoa hô hấp. Căn bệnh đang trở thành gánh nặng to lớn cho kinh tế Việt Nam, từ chi phí điều trị trực tiếp như tiền thuốc, xét nghiệm và các chi phí gián tiếp như phải nghỉ việc do giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị.
Mặc dù vậy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng như một số bệnh không lây nhiễm có thể phòng, tránh được thông qua giảm thiểu những yếu tố nguy cơ, đồng thời tăng cường hệ thống y tế, tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để quản lý và chăm sóc cho người đã mắc bệnh.
Lưu ý phòng bệnh mùa lạnh
Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người mắc COPD có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Để giảm nguy cơ, người bệnh không nên hút thuốc lá và tránh hít phải khói bếp, chất độc hại trong môi trường. Nếu bệnh nhân COPD gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác như đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và tỷ lệ tử vong rất cao.
Mục tiêu điều trị căn bệnh này sẽ bao gồm: làm giảm các triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh, cải thiện khả năng gắng sức và ngăn ngừa cũng như điều trị biến chứng. Bên cạnh đó, có các phương pháp điều trị như: Thuốc giãn phế quản giúp bạn thở dễ dàng hơn bằng cách giãn các cơ trơn trong phổi, từ đó mở rộng đường hô hấp.
Thuốc giãn phế quản kết hợp cộng với corticosteroid dạng hít: đây là một loại steroid để giảm viêm ở phổi.Vắc xin ngừa bệnh cúm, thuốc chủng ngừa phế cầu (một loại vắc xin phòng chống dịch bệnh được gây ra bởi một loại vi khuẩn gọi là Streptococcus pneumoniae, hoặc phế cầu).
Ngoài ra, liệu pháp oxy cũng đang được dùng tương đối hiệu quả tại các bệnh viện. Đối với biện pháp phẫu thuật thường là một phương sách cuối cùng cho những người có các triệu chứng nghiêm trọng không thể cải thiện bằng thuốc.
Thông thường, phương pháp phẫu thuật được sử dụng đối với loại khí phế thũng, bao gồm cắt túi khí (là loại bỏ các túi khí trong phổi ) và phẫu thuật giảm thể tích phổi. Ghép phổi có thể là một lựa chọn cho những người bị phổi tắc nghẽn mãn tính rất nặng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát triển một kế hoạch để ngăn chặn và kiểm soát các bệnh không truyền nhiễm (bệnh không lây từ người này sang người khác). Các mục tiêu mà WHO nhắm tới là: Nâng cao nhận thức toàn cầu của bệnh không lây nhiễm.
Tạo môi trường lành mạnh hơn, đặc biệt là đối với người nghèo và những hoàn cảnh khó khăn. Ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, chẳng hạn như sử dụng thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động. Cũng như ngăn chặn tử vong sớm và tàn tật.
Với bệnh nhân COPD, việc luyện tập phục hồi chức năng rất quan trọng. Người bệnh COPD mức độ nhẹ hoặc trung bình nên duy trì luyện tập các bộ môn như đạp xe, đi bộ, thảm lăn mức độ vừa phải từ 30-60 phút tùy theo khả năng.
Đối với bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập, hoặc có các phương pháp tập luyện khác luyện sức bền với tạ nhỏ; hoặc tập thở cơ hoành bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức, tập ho khạc đờm chủ động.
Tuy nhiên, lưu ý thời tiết lạnh mùa đông miền Bắc, bệnh nhân đặc biệt lưu ý giữ ấm, áo ấm, tất ấm, khăn quàng ấm và tuyệt đối không đi thể dục ngoài trời lúc 5 - 6 giờ sáng. Đặc biệt, trong thời tiết lạnh, số bệnh nhân mắc căn bệnh này càng có xu hướng gia tăng, diễn biến nặng.
Thế nhưng việc phát hiện sớm còn hạn chế, có tới 25 - 50% bệnh nhân COPD không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị và còn tỉ lệ rất lớn bệnh nhân không tuân thủ điều trị dự phòng, chỉ điều trị khi có cơn kịch phát.
Mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng như các bệnh không lây nhiễm, giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh.
Đồng thời cần xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như: câu lạc bộ người bệnh không lây nhiễm, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe.