Cho đến nay trên thế giới, ông Antonio Todde là người đàn ông đầu tiên sống tới 110 tuổi. Ông sinh sống tại Tiana, một ngôi làng trên đảo Sardinia của đất nước Italia xinh đẹp. Sinh ra vào cuối những năm 1800, ông Antonio Todde đã qua đời năm 2002, thọ 113 tuổi. “Cuộc đời của cha tôi kéo dài ba thế kỷ”, ông Tonino, 84 tuổi, con trai ông Antonio Todde, thuật lại, và tin rằng mình cũng sống vượt ngưỡng 100 tuổi.
“Vùng đất xanh”
Còn có thể kể ra nhiều người khác sống thọ ở đây, như cụ bà Zelinda Paglieno, một cư dân hòn đảo Sardinia đã bước sang tuổi 102. So với những người dân nơi đây, tuổi của bà không phải là đặc biệt. Ba người hàng xóm của bà đều trên 100 tuổi. Bà Paglieno cho biết, vào giờ ăn trưa mỗi ngày, bà thường uống một chút rượu vang đỏ.
Đây là thực phẩm được biết đến giàu polyphenol, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngoài ra, bà tuyệt đối không hút thuốc. Ở tuổi của mình, Paglieno vẫn có sức khỏe tốt và luôn vui vẻ. Bà cho rằng muốn có được tuổi thọ cao, nên sống xa khỏi vùng đất đai ô nhiễm, tránh tham gia vào các công việc vất vả, nên thay đổi môi trường sống, di chuyển lên những vùng núi, khí hậu mát mẻ, thanh tịnh, sẽ tốt cho sức khỏe.
Cụ bà Caterina Moi, 97 tuổi, đã kết hôn và sống cùng với cụ ông trăm tuổi cuối cùng của làng tên là Salvato Angelo. Ông đã qua đời vào tháng 8/2018 vừa qua. Người anh em họ của bà vừa mới bước sang tuổi 103.
Đến nay, cụ bà Caterina vẫn có thể nghe rất rõ từng âm thanh tiếng chân trên bậc thang hàng ngày và có thể kể lại những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. “Lý do tôi sống lâu bởi vì ngày còn trẻ, tôi luôn làm việc”, bà cho biết.
“Chồng tôi cũng là một người chăm chỉ, hai vợ chồng hàng ngày lao động chân tay để kiếm sống, chủ yếu là trồng cây hái quả. Tôi ăn những thực phẩm đó, chúng rất lành mạnh và an toàn, điều đó làm sức khỏe chúng tôi bền bỉ và dẻo dai hơn”.
Tiana chỉ là ngôi làng nhỏ bình thường nhưng lại nằm ở một khu vực khá đặc biệt và kỳ lạ, đó là hòn đảo Sardinia, nơi tỷ lệ người dân sống đến trăm tuổi nhiều gấp ba lần so với phần còn lại của đất nước Italia.
Người già ở đây sống rất độc lập và vào viện dưỡng lão là chuyện hiếm gặp |
Vào đầu những năm 2000, nhà nhân khẩu học kiêm bác sĩ Giovanni Pes đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng, nhiều ngôi làng thuộc hòn đảo Sardinia có tỷ lệ tử vong rất thấp, trong khi tuổi thọ trung bình đặc biệt cao. Bác sĩ Giovanni Pes đã tiến hành đánh dấu từng địa điểm và cuối cùng tạo ra một vùng riêng biệt trên bản đồ và gọi đó là “Vùng xanh”.
Giờ đây, Sardinia là một trong năm “Vùng xanh” duy nhất trên thế giới được xác định là có cư dân thường sống đến 90 tuổi trở lên. Bốn nơi còn lại là Okinawa (Nhật Bản), Nicoya (Costa Rica), Icaria (Hy Lạp) và cộng đồng người Cơ Đốc Phục Lâm ở Loma Linda, California (Mỹ). Được biết, khái niệm “Vùng xanh” được dùng để chỉ bất kỳ khu vực nào trên thế giới có tỷ lệ dân cư sống thọ cao.
Tinh thần tốt, sức khỏe dồi dào
Các nghiên cứu khoa học trước đây chứng minh rằng, cấu trúc gen tốt, chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý, là những yếu tố rất quan trọng để có thể sống thọ. Song các nghiên cứu mới đây ở khu vực Địa Trung Hải chỉ ra rằng tương tác xã hội đóng vai trò quan trọng không kém.
Nhiều bằng chứng cho thấy sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình và khả năng kết nối với cộng đồng cũng giúp con người duy trì trạng thái tinh thần khỏe mạnh, qua đó tác động tới sức khỏe tổng thể của mỗi người.
Điều khiến Sardinia trở nên độc nhất vô nhị nằm ở tỷ lệ nam giới sống thọ lớn hơn mức trung bình thế giới. “Ở hầu hết các nước phương Tây, tỷ lệ người sống thọ xét theo giới tính là 1 nam so với 4 nữ. Nhưng tại khu vực đảo Sardinia này, tỷ lệ này có thời điểm là 1-1”, bác sĩ Giovanni Pes nói.
Một góc hòn đảo Sardinia |
Để tìm hiểu lý do tại sao, bác sĩ Giovanni Pes đã phân tích gen của người dân trong vùng. Ban đầu ông cho rằng, sự cô lập tách biệt với những vùng đất khác có thể dẫn đến các biến thể di truyền có lợi cho tuổi thọ của người dân Sardinia.
Tuy nhiên, sau đó ông nhận thấy rằng, yếu tố gen chỉ chiếm từ 20% - 25% tuổi thọ trung bình. Ngoài ra để tìm hiểu sâu hơn, bác sĩ Giovanni Pes đã có cuộc phỏng vấn với những người cao tuổi, đồng thời phân tích dữ liệu lịch sử. Từ đó, ông nhận ra rằng yếu tố xã hội và tâm lý cũng vô cùng quan trọng.
Ông Sarah Harper, giáo sư lão khoa tại Đại học Oxford, Anh, cũng nhận định đời sống xã hội thực tế có ảnh hưởng không nhỏ tới tuổi thọ của một người, quan trọng không kém chế độ ăn uống, tập luyện.
Đồng quan điểm với bác sĩ Giovanni Pes và giáo sư Sarah Harper, anh Luigi Corda, một nhiếp ảnh gia đã dành hai năm để chụp ảnh và phỏng vấn những người trăm tuổi ở các ngôi làng Barbagia, Ogliastra, Trexenta và Middle Campidano thuộc hòn đảo Sardinia. Anh Luigi Corda nói rằng, ở hòn đảo này gia đình là yếu tố rất quan trọng.
“Gia đình đóng một vai trò cơ bản đối với tuổi thọ của mỗi người ở Sardinia. Bên cạnh khía cạnh di truyền, chế độ ăn uống và tôn giáo, yếu tố gia đình là động lực giúp mỗi người Sardinia có thêm sức mạnh để sống và làm việc.
Tất cả những người sống trên trăm tuổi đều có sức khỏe tuyệt vời, mặc dù chẳng bao giờ dùng đến thuốc men. Thậm chí họ còn có thể đọc sách mà chẳng cần đeo kính. Họ có thể tự do tham gia các sự kiện tại địa phương. Tại đây, họ sẽ được gặp bạn bè, trò chuyện vui vẻ hay cùng nhau tham gia các trò chơi”, anh Luigi Corda cho biết.
Một nghiên cứu được công bố năm 2017 của Đại học Cagliari cho thấy, người cao tuổi đến từ “Vùng xanh” ở Sardinia tham gia nhiều hoạt động xã hội và tinh thần hơn so với người già tại những khu vực khác. Theo Maria Chiara Fastame, một nhà tâm lý học công tác tại Đại học Cagliari, trái ngược với nhiều khu vực phía Bắc, Italia, người già ở đây sống rất độc lập và vào viện dưỡng lão là chuyện hiếm gặp.
Những người già trăm tuổi ở đảo Sardinia vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng |
Họ hàng, hàng xóm và con cái sẽ giúp đỡ nhau chăm sóc người già, biến ngôi nhà trở thành nơi liên kết các thế hệ trong gia đình và cộng đồng xung quanh. Người già không phải là gánh nặng, đối với họ người già là kho kiến thức, người truyền lại cho thế hệ sau những giá trị quý báu.
“Nơi tôi lớn lên, vây quanh là những người già luôn lao động chăm chỉ và thích nuôi động vật. Ở ngôi làng của tôi, người càng già lại càng sống độc lập. Họ duy trì mối quan hệ xã hội bằng cách thường xuyên tham gia các hoạt động để giúp họ được minh mẫn hơn.
Họ cũng tụ tập sau bữa trưa tại quảng trường để chuyện trò, chơi bài và giao lưu hát hò”, anh Claudio Cabiddu, nam thanh niên sinh ra ở Sardinia đang theo học ngành tâm lý người cao tuổi tại Đại học Cagliari, chia sẻ.
Mặc dù, Sardinia được biết đến như một hòn đảo có thu nhập thấp và thường xuyên xảy ra dịch bệnh, thế nhưng tình trạng sức khỏe của người cao tuổi lại hoàn toàn ngược lại. Những người già ở đây cũng không bị mắc các vấn đề về trầm cảm.
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Paul Hitchcott, người già ở Sardinia có trí nhớ tốt hơn hẳn so với những người cùng độ tuổi tại vùng Bắc Italy. “Vì tham gia nhiều hoạt động nên họ không bị trì trệ, thậm chí năng động là đằng khác. Hàng loạt yếu tố kết hợp với nhau đã giúp họ đạt được trạng thái tuyệt vời cả về thể chất lẫn tinh thần”, ông Hitchcott nhận xét.