Gánh nặng du khách “xấu xí”

(PLO) - Lượng du khách nước ngoài đổ về Việt Nam ngày càng tăng qua mỗi năm. Tuy nhiên, trong số đó không ít du khách “xấu xí” không những không giúp tăng trưởng du lịch mà còn đem lại phiền toái, thậm chí là gánh nặng cho địa phương.

Nhan nhản “phượt” ăn xin, lừa đảo 

Trong vòng hai, ba năm trở lại đây, hình thức du lịch “bụi” xuyên các quốc gia được nhiều phượt thủ lựa chọn. Tuy nhiên, có không ít phượt thủ quốc tế lựa chọn hình thức du lịch này không phải vì thưởng thức thú vui của du lịch dân dã, mà đây là cách để họ tiết kiệm tối đa chi phí du lịch, thậm chí du lịch miễn phí ở nhiều nơi.

Ryan Bee, một phượt thủ người Mỹ đã chia sẻ hành trình xuyên 6 nước châu Á của anh ta với chi phí vỏn vẹn chỉ 700 USD, kể cả chi phí làm visa. Kinh nghiệm mà Bee chia sẻ cho cộng đồng du lịch phượt là “tăng xin giảm mua” ở bất kì nơi nào. 8 nước châu Á, trong đó có Việt Nam là nơi Bee dừng chân 10 ngày, theo đánh giá của Bee là “người dân thân thiện, dễ tin và dễ mủi lòng với du khách”.

Bee đã tìm đến những gia đình hiền lành ở vùng nông thôn để xin ngủ nhờ và ăn nhờ vào những bữa ăn gia đình. Về di chuyển, Bee bắt xe tải, xe máy để đi quá giang dọc được, hết chặng lại chuyển sang chuyến khác.

Những khi không “ké” được thức ăn hay chỗ ngủ, Bee lựa chọn những món ăn với mức giá “rẻ như cho”, hoặc những hostel kiểu con nhộng vài chục ngàn một đêm dành cho “Tây ba lô”. Với 10 ngày ở Việt Nam, Bee tiêu tốn chỉ hơn 100 USD.

Những phượt thủ quốc tế kiểu như Bee không hiếm, thậm chí nhiều phượt thủ còn tệ hơn thế. Trước những chuyến đi, họ bỏ trong túi một khoản tiền vô cùng ít ỏi và bắt đầu hành trình “vừa đi vừa xin” của mình. Nhiều phượt thủ được cả cộng đồng du lịch quốc tế biết mặt, biết tên vì vừa du lịch vừa hành khất khắp các nước châu Á.

Phượt thủ York, người Mỹ cùng bạn gái của mình là một cặp đôi phượt xin ăn từ Malaysia đến Thái Lan và cư ngụ tại Việt Nam mấy tháng ròng. Chiêu của cặp đôi này là viết một tấm bảng bày tỏ ước muốn được cùng nhau đi khắp nơi nhưng… thiếu tiền, mong được nhiều người ủng hộ tiền thực hiện ước mơ (!).

Thực tế, du khách “xấu xí” là một vấn nạn chung của ngành du lịch nhiều nước châu Á trong những năm gần đầy. Không chỉ có phượt thủ xin ăn, những phượt thủ quốc tế đến Việt Nam và nhiều nước châu Á khác và sinh sống bằng cách lừa đảo là không hiếm.

Du khách xin tiền làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam
Du khách xin tiền làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam

Cách đây không lâu, một phượt thủ châu Âu cũng đã bị cộng đồng du lịch vạch mặt vì lừa đảo từ Thái Lan, Indonesia tới Việt Nam bằng cách giả vờ bị mất ví, giấy tờ, xin tiền để trở về nước. Thực chất phượt thủ này dùng tiền xin được để tiêu xài phung phí tại các quán bar, khi nhẵn mặt ở địa phương này thì di chuyển đến địa phương khác.

Chính quyền loay hoay xử lý

Mới đây, tại Phú Quốc, Ban Giám đốc Bệnh viện Phú Quốc đã phải cầu viện đến công an để giải quyết hai du khách người Nga “ăn vạ”. Hai cô gái quốc tịch Nga sau khi ẩu đả với chủ nhà trọ tại Phú Quốc đã vào Bệnh viện Phú Quốc để điều trị.

Tại đây, hai cô đòi hỏi dịch vụ tốt nhất khi trong túi không có tiền, sau đó dù vết thương đã lành, được miễn phí toàn bộ viện phí nhưng hai du khách này nhất quyết không chịu xuất viện, ở lại phòng bệnh lại gây mất vệ sinh, ồn ào khiến Giám đốc Bệnh viện phải mời công an đến giải quyết.

Trước đó, trong suốt một năm, một trong hai cô gái du khách nói trên đã “ngồi thiền” trên vỉa hè Phú Quốc để xin tiền người dân nhằm tiếp tục lưu trú lại huyện đảo này, khiến nhiều người bức xúc.

Cạnh đó, không ít trường hợp du khách Trung Quốc gây náo loạn, mất an ninh trật tự tại Việt Nam: Đốt tiền Việt, ăn uống không thanh toán, say rượu ẩu đả… Ngoài ra là tình trạng du khách Trung Quốc đến Việt Nam bằng các tour giá siêu rẻ, ít sử dụng hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam mà tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của người Trung Quốc đầu tư hoặc mang sang… nhưng chưa có cách xử lý.

Có thể thấy, những trường hợp du khách quốc tế “xấu xí” như trên hầu như không đem lại lợi nhuận hay sự tăng trưởng cho nền du lịch mà thậm chí còn “kéo lùi” văn hóa du lịch, tạo thêm gánh nặng cho địa phương và nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong những vụ việc du khách nước ngoài “làm loạn”, thậm chí vi phạm pháp luật tại Việt Nam, chính quyền địa phương lại khá lúng túng trong xử lý. Cô gái Nga ăn xin trên hè phố Phú Quốc hàng năm trời, người dân phản ứng nhiều nhưng chính quyền không xử lý được, để dẫn đến trường hợp “ăn vạ” tại bệnh viện cả năm sau đó vẫn chưa có cách xử lý ổn thỏa.

Các địa phương Khánh Hòa, Đà Nẵng thì nhiều năm liền vẫn loai hoay không biết “xử sao cho ổn” các hành vi gây mất trật tự, vi phạm các quy định của Việt Nam của các du khách, hướng dẫn viên người Trung Quốc…

Đọc thêm