“Gáo nước lạnh” mang tên Zing Deal

Trong khi hoạt động mua nhóm đang là “tiêu điểm” của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) thì sự kiện Zing Deal – trang sản phẩm của một công ty internet hàng đầu Việt Nam -  thông báo đóng cửa từ ngày 8/2 đã thu hút sự chú ý của dư luận…

[links()] Trong khi hoạt động mua nhóm đang là “tiêu điểm” của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) thì sự kiện Zing Deal – trang sản phẩm của một công ty internet hàng đầu Việt Nam -  thông báo đóng cửa từ ngày 8/2 đã thu hút sự chú ý của dư luận…

Thông báo ngưng hoạt động Zing Deal - Ảnh chụp màn hình.

Website mua chung mọc như nấm sau mưa

Mua chung, mua nhóm là một hình thức thương mại điện tử (TMĐT) phát triển rầm rộ ở Việt Nam năm 2011 với tổng doanh số lên tới hơn 650 tỷ đồng. Sự phát triển của hình thức này đã giúp cho thị trường TMĐT Việt Nam trưởng thành vượt bậc, thói quen thanh toán và đội ngũ giao nhận được kiến tạo phù hợp và giúp các khách hàng quen dần với giao dịch và thanh toán trên mạng.

Hiện tại thị trường đã phân chia khá rõ ràng giữa nhóm dẫn đầu và nhóm thứ 2, khi top 4 công ty dẫn đầu là Mua Chung, Nhom Mua, Cung Mua, Hotdeal đang chiếm tới hơn 90% thị phần, nhưng vẫn không ngăn được các trang web bán phiếu mua chung tiếp tục được xuất hiện.

Một trang web không đòi hỏi quá nhiều yêu cầu kỹ thuật, cùng với một đội ngũ bán hàng để tiếp cận các nhà cung cấp dịch vụ và đội ngũ giao nhận phiếu là có thể xúc tiến hình thành một trang mua chung. Chính vì thế mà ngay trong năm qua đã có hơn 100 trang mua chung ra mắt.

Ra mắt từ tháng 11/2010, Zing Deal sớm góp mặt trong số những trang TMĐT đầu tiên hoạt động theo mô hình mua nhóm tại Việt Nam. Được hậu thuẫn bởi một nền tảng tài chính vững vàng, đội ngũ kĩ thuật nhiều kinh nghiệm, cơ sở dữ liệu người dùng hùng hậu từ mạng xã hội Zing Me, cùng hỗ trợ của kênh truyền thông Zing News, song Zing Deal đã phải sớm rời cuộc chơi mua nhóm đang rất sôi động hiện nay.

Trong bối cảnh các trang mua chung, mua nhóm đang “ầm ầm” xuất hiện, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến hình thức mua sắm này do lợi thế về tiện ích và giá cả, thì VNG – Cty lớn trên thị trường dịch vụ Internet Việt Nam, đơn vị sở hữu trang mua chung Zing Deal – quyết định đóng cửa dịch vụ này.

Thông tin nói trên xuất hiện ngay tại thời điểm Zing Deal đang khởi sắc với khá nhiều chương trình khuyến mại và ưu đãi cho khách hàng, cải tiến và cho ra mắt một số chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết với giá rất hấp dẫn.

Thị trường bước vào giai đoạn mới

Rõ ràng, khi Zing Deal – trang mạng của một thương hiệu có uy tín trên thị trường dịch vụ điện tử  - đóng cửa đã “dội gáo nước lạnh” vào sự háo hức mới vừa được khơi dậy của người tiêu dùng. “Nếu các trang, nhất là trang nhỏ, đột ngột đóng cửa mà chưa giải quyết được các vấn đề liên quan với hàng ngàn người tiêu dùng đã mua phiếu dịch vụ, thì sự việc sẽ được giải quyết thế nào” – chị Lê Hồng Vân, một khách hàng của các trang mua nhóm, băn khoăn.

“Trong khi có hàng trăm trang mạng mua nhóm, thì để có thể tồn tại, trang web không thể chỉ phát triển diện rộng, mà còn phải tạo đặc thù cho sản phẩm dịch vụ của mình” – ông Phạm Bình Minh, chuyên gia về TMĐT, bình luận. Theo ông Minh, từ sau “gáo nước lạnh” Zing Deal, mô hình mua chung sẽ không còn bùng nổ, mà sẽ phát triển theo chiều sâu.

Thị trường cạnh tranh khốc liệt khiến vài tên tuổi nhỏ bé ra đi sẽ không có gì là lạ, 4 trang top đầu là MuaChung, NhomMua, CungMua, HotDeal đang ra sức đẩy mạnh việc phát triển, không chỉ cạnh tranh lẫn nhau, mà còn “bóp chết” cả các trang nhỏ.

“Tôi cho rằng, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc thành lập và hoạt động của các trang mua nhóm, mua chung. Không thể để mọc ra như nấm sau mưa rồi lại đóng cửa bất kỳ khi nào, ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng và gây hệ lụy không hay cho thị trường TMĐT” – bà Phạm Vy Linh, đại diện một công ty đối tác của các trang mua nhóm, chia sẻ.

Bách Nguyễn

Đọc thêm