Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần một thương hiệu Quốc gia cho gạo nhưng để làm được điều đầu tiên cần phải xóa bỏ ngay cơ chế độc quyền xuất khẩu từ 2 tổng công ty lương thực nhà nước như hiện nay.
Gạo đi tiên phong
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam mặc dù có 4,1 triệu ha đất trồng lúa (vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 53% diện tích). Năm 2016, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 4,88 triệu tấn với 2,2 tỷ USD, được xếp đứng “top” dẫn đầu trên thế giới về xuất khẩu gạo nhưng ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cả về cách thức tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh vào thị trường quốc tế.
Thống kê cho thấy, hiện ở Việt Nam, 85% số hộ gia đình sản xuất lúa quy mô dưới 0,5 ha, trong khi hoạt động về tổ chức sản xuất khác như Hợp tác xã, tổ nhóm, sản xuất theo hợp đồng còn hạn chế chưa mang lại hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, việc thiếu các giống lúa chủ lực, có chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn, khiến chất lượng gạo xuất khẩu chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu yếu làm cho thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam chỉ khiêm tốn dừng ở phân khúc trung bình và thấp, giá trị gia tăng thấp.
Đáng chú ý, Việt Nam hiện có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế.
Trong bối cảnh trên thị trường mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, ngoài các đối thủ truyền thống, Việt Nam còn phải đối mặt với các đối thủ mới nổi như: Campuchia, Myanmar và Mỹ. Bởi vậy, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam sẽ là hàng loạt vấn đề cấp bách móc xích nhau: giá, chất lượng, thương hiệu và lòng tin của thị trường đối với gạo Việt.
Vì thế, ngày 21/5/2015, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được đánh giá là quyết định rất quan trọng.
Đây là đề án được cho mang tầm quốc gia đầu tiên của Việt Nam đối với xây dựng thương hiệu nông sản, là tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực khác như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản…Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là một cách tiếp cận mới, phát huy những giá trị của ngành hàng để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.
Khu vực tư nhân đang mất tiếng nói
Tuy nhiên, một nhận định của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (CASRAD) cho thấy hiện nay XK gạo Việt Nam đang chịu nhiều biến động, đặc biệt 3 năm nay giảm cả về số lượng, giá trị trong bối cảnh thị trường không ổn định, cạnh tranh ngày càng gay gắt, lợi thế cạnh tranh về giá thấp dần mất đi, người nông dân ít được hưởng lợi trong chuỗi giá trị và không còn muốn sản xuất lúa.
Theo TS. Đào Thế Anh, Giám đốc CASRAD, trong khi đó mức độ tham gia của gạo Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu quá yếu, lại tập trung ở phân khúc trung bình và thấp khiến sản xuất gạo chưa theo kịp nhu cầu ngày càng đa dạng về chất lượng nhập khẩu, bởi thế mà giá gạo Việt luôn thấp so với các nước xuất khẩu chủ chốt.
|
Để có thương hiệu quốc gia cho gạo phải xóa bỏ cơ chế đấu thầu tập trung. |
Theo Giám đốc CASRAD, hiện Việt Nam có 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại xuất khẩu gạo nhưng số doanh nghiệp này lại ít sử dụng thương hiệu riêng do quá phụ thuộc vào các hợp đồng do 2 “ông lớn” Vinafood 1 và Vinafood 2 đấu thầu. Ông Anh cho rằng, chính sách tập trung đầu mối xuất khẩu đang áp dụng như hiện nay đã làm giảm tính năng động và cạnh tranh bằng chất lượng của các doanh nghiệp tư nhân.
Để thực hiện chiến lược chất lượng gạo, các doanh nghiệp chẳng còn cách nào khác là phải năng động tự tìm thị trường và đầu tư thích đáng vào marketing. TS. Anh đánh giá các doanh nghiệp tư nhân hiện nay đã làm khá tốt vấn đề này và cần được đối xử bình đẳng so với 2 ông doanh nghiệp nhà nước, giảm việc tập trung vào Vinafood 1 và Vinafood 2 chiếm lĩnh tới 60-70% thị phần XK như hiện nay.
Theo vị này, sự độc quyền này lại không gắn với quản lý chất lượng và vùng nguyên liệu, chỉ phù hợp với chiến lược quản lý gạo khối lượng lớn, ít quan tâm chất lượng như các hợp đồng chính phủ.
“Các “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị lúa gạo phải là các doanh nghiệp hay Hợp tác xã có chiến lược phát triển chất lượng rõ ràng và sẵn sàng đầu tư dài hạn chứ không nên là các doanh nghiệp chỉ chăm chăm cung ứng gạo cho hợp đồng Chính phủ hay hợp đồng gạo chất lượng thấp”- ông Anh nói.
Phải cải tổ năng lực VFA
Để xây dựng thành công thương hiệu Quốc gia cho gạo, nhiều chuyên gia thậm chí còn để nghị rằng cần cho phép thành lập Hiệp hội sản xuất lúa gạo Việt Nam hay tiến hành cải cách Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thành một tổ chức thực sự có năng lực đại diện cho ngành sản xuất-kinh doanh lúa gạo.
Ths. Bùi Kim Đồng, chuyên gia lúa gạo thuộc CASRAD cũng cho rằng Hiệp hội có thể bao gồm cả nông dân, HTX và doanh nghiệp nhằm đổi mới tổ chức lại sản xuất, liên kết giữa nông dân, người chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu trong vùng nguyên liệu gắn với kiểm soát chất lượng, điều tiết chia sẻ lợi ích hài hòa và cùng xây dựng thương hiệu chung.
“Theo kinh nghiệm từ một số nước xuất khẩu, Hiệp hội ngành hàng sẽ tham gia cùng Chính phủ xây dựng thương hiệu gạo, nghiên cứu thị trường hỗ trợ thành viên, đặt hàng nghiên cứu cho các Viện về giống, kỹ thuật, quản lý xuất khẩu theo tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi của thành viên sản xuất, kinh doanh lúa gạo.”- chuyên gia Đồng nhấn mạnh.
Ngoài việc “hiến kế” để đổi mới thể chế quản lý và chính sách sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng, theo CASRAD, để xây dựng thương hiệu Quốc gia cho gạo cũng cần phải nghiên cứu lai tạo, chọn lọc và cải tiến giống lúa. Bởi không thể quản lý được thương hiệu với việc có quá nhiều giống.
Thống kê của Trung tâm này cho thấy việc xây dựng thương hiệu Quốc gia cho sản phẩm này là không đơn giản. Chỉ tính riêng ĐBSCL, đây là khu vực sản xuất lúa gạo lớn nhất nước nhưng đã có trên 100 giống đang lưu hành rộng rãi, hàng năm từ 15-20 giống mới được xác nhận để đưa vào sản xuất.
Trong khi nhìn vào kinh nghiệm của nhiều “đối thủ” họ có cách xây dựng hoàn toàn khác: Thương hiệu gạo Thái Lan chỉ áp dụng cho 2 giống lúa KDML 105 và RD 15, hay thương hiệu gạo Ấn Độ là nhóm Basmati.
“Xây dựng thương hiệu gạo Quốc gia không chỉ là hình ảnh/biểu tượng và bảo vệ hình ảnh/biểu tượng đó mà nó còn là bao hàm các giá trị về chất lượng sản phẩm, kỹ thuật sản xuất, sự cam kết lâu dài của chủ thương hiệu, thể chế tổ chức trong chuỗi sản xuất và cung ứng. Đây mới là cơ sở để quản trị thương hiệu gạo quốc gia” - TS. Anh nói.