Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Phạm Văn Bảy trao đổi với Pháp Luật Việt Nam những vấn đề liên quan đên gạo Việt Nam và khả năng cạnh tranh của sản phẩm này khi từ ngày 1/1/2011, các công ty nước ngoài được phép kinh doanh xuất khẩu gạo tại Việt Nam.
- Năm 2010 khép lại, bức tranh thị trường đọng lại trong ông những ấn tượng như thế nào?
- Nói về thị trường xuất khẩu gạo năm 2010, sản xuất được mùa, năng suất cao, sản lượng tăng, tồn kho năm 2009 chuyển sang là 1,45 triệu tấn nên năm rồi xuất khẩu với số lượng và giá trị cao nhất từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo. Tính chưa đầy đủ, năm vừa qua cả nước xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo, trị giá FOB khoảng 2,88 tỷ USD, trị giá CIF 3,13 tỷ USD, so cùng kỳ năm 2009 tăng 10% về lượng và tăng 16% về giá trị.
Thị trường xuất khẩu năm 2010 thuận lợi hơn các năm trước, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu cao của các nước châu Á, nhưng cũng cần phải nói rằng, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kịp thời, sâu sát.
Hiệp hội lương thực Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tổ chức cho các DN xuất khẩu mua lúa tạm trữ vụ Đông Xuân, Hè Thu, đàm phán ký kết các hợp đồng tập trung, cân đối hài hòa lượng gạo xuất khẩu theo từng mùa vụ trong năm...
Có thể thấy, năm qua nguồn cung gạo thế giới giảm sút do do ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh… trên diện rộng nên các nước xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội. Nguyên nhân giá gạo tăng cao trong năm 2010 còn do ảnh hưởng tăng giá của lúa mì, bắp, giá dầu tăng, đồng Đô la giảm, chỉ số giá cả tăng.
Trong nước, do ảnh hưởng của thiên tai, chi phí sản xuất tăng cũng làm giá thành cao. Rồi việc quản lý thị trường xuất khẩu cũng còn nhiều bất cập, có quá nhiều đầu mối xuất khẩu không có kho tàng, cơ sở, xay xát chế biến gạo, cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua tranh bán, tranh giành khách hàng, gây thiệt hại chung.
Chất lượng gạo Việt Nam còn thấp, giá trị tăng thêm chưa cao so với các nước xuất khẩu gạo khác, chưa có thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Mối liên kết 4 nhà chưa thật sự hài hòa để các bên cùng có lợi, làm giảm chất lượng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam. Công tác dự báo đôi lúc chưa kịp thời, độ chính xác chưa cao làm ảnh hưởng đến việc điều hành xuất khẩu gạo.
- Thưa ông, có thể dự báo như thế nào về sản lượng xuất khẩu gạo năm năm 2011?
- Năm 2011 do lượng gạo tồn kho 2010 chuyển sang thấp, hiện phải chờ cân đối chính thức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về lượng gạo dự kiến xuất khẩu, trên tinh thần sau khi cân đối đủ tiêu dùng trong nước, lượng lúa gạo hàng hóa còn thừa mới dành cho xuất khẩu. Chúng tôi dự kiến khả năng xuất khẩu từ 5,5 triệu đến 6 triệu tấn gạo.
Để đạt được “đích” đó, chúng ta phải có cái nhìn toàn cảnh và chuẩn bị được một tâm thế vững vàng chủ động trước các ẩn số, như: thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán miền Bắc, lũ lụt Nam Trung Bộ, lũ thấp và thâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu long, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, giá vật tư, xăng dầu đang tăng cao… làm ảnh hưởng đến sản lượng và tăng giá thành sản xuất lúa năm 2011. Thị trường xuất khẩu đang thuận lợi nhưng còn tiềm ẩn nhiều khó khăn cần phải có thời gian xem xét và phải có nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ trong thu mua xuất khẩu.
- Từ ngày 1/1/2011, các công ty nước ngoài được phép kinh doanh xuất khẩu gạo tại Việt Nam, theo ông nông dân và các DN xuất khẩu gạo trong nước nên ứng xử như thế nào?
- Đáng mừng, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 (sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/1/2011) qui định rất cụ thể về điều kiện kinh doanh, điều hành xuất khẩu gạo, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là cơ sở để xuất khẩu gạo Việt Nam được ổn định và phát triển trong thời gian tới. Năm 2011 sẽ mở cửa thị trường lúa gạo để các công ty nước ngoài có thể kinh doanh xuất khẩu gạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế còn ảnh hưởng đến năm 2011 và các năm kế tiếp, nên có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài chưa mạnh dạn mở rộng đầu tư mặt hàng gạo.
Các DN Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao, như nắm vững tình hình sản xuất, có kinh nghiệm, có hệ thống cơ sở vật chất, có khách hàng truyền thống trong và ngoài nước.…
Tuy nhiên, khi mở cửa thị trường gạo, các công ty xuất khẩu gạo nhỏ khó cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài nhiều kinh nghiệm, có nguồn vốn lớn, có thị trường tiêu thụ gạo ở nước ngoài ổn định.
Các DN xuất khẩu gạo Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng với tình hình mới, từ thay đổi công nghệ, đầu tư cơ sở kho tàng, máy móc thiết bị, để nâng cao chất lượng gạo, đầu tư vùng nguyên liệu đảm bảo yêu cầu thị trường, phải liên kết, phối hợp với các công ty trong nước, liên kết trong chuỗi giá trị với người sản xuất, thương lái, các nhà máy xay xát, chế biến, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
Mai Hoa (thực hiện)