Từ đứa trẻ mồ côi trở thành chiến sỹ đặc công
Trong căn nhà nhỏ ở khối 9, phường Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An) cựu chiến binh đặc công Lê Văn Hinh (95 tuổi) dành riêng một góc trang trọng ngay tại phòng khách để đặt những hình ảnh, kỷ vật về quá trình tham gia cách mạng. Nổi bật nhất là bức tranh vẽ chiếc xe tăng tiến vào Dinh độc lập vào ngày 30/4/1975. Ông cho hay, đã phải bỏ ra gần tháng trời để vừa hồi tưởng, vừa hoàn thiện tác phẩm đặc biệt ấy.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trí nhớ của ông khá minh mẫn. Với chất giọng miền Nam đặc sệt, người cựu chiến binh ấy chậm rãi kể lại cơ duyên tham gia cách mạng, ký ức hào hùng về những trận đánh ác liệt với quân địch. Theo lời kể của nhân vật, cậu bé Lê Văn Hinh sinh ra tại Thị xã Hà Tiên (cũ) nay thuộc tỉnh Kiên Giang.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên đứa trẻ ấy phải lang thang khắp nơi mưu sinh. Quá trình lang thang, ông được một người đàn ông địa phương đưa về cưu mang và đặt tên là Nhỏ. Cậu bé Hinh ngày ấy tiếp tục được đưa vào trại mồ côi ở Camphuchia. Tại đây, Nhỏ được đào tạo về võ thuật. Năm 16 tuổi, khi nghe tin mình sẽ bị đưa vào hoàng cung Campuchia, Nhỏ sợ hãi tìm đường về Việt Nam.
Khi đến địa phận Việt Nam, Nhỏ may mắn gặp được 4 người là lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ lúc bấy giờ là Hoàng Lệ Kha, Tô Kí, Dương Bạch Mai và Trần Văn Giàu. Những cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã giúp đứa trẻ mồ côi, từng lưu lạc nhiều nơi bắt đầu giác ngộ cách mạng. “Hồi đó dù tôi không biết chữ nhưng các vị này thấy tôi nhanh nhẹn, tháo vát nên cho vào làm liên lạc cho nghĩa quân Nam Kỳ khởi nghĩa. Tôi được cấp một con ngựa để làm phương tiện đi lại”, lời ông Hinh.
Ngày 23/9/1945, Nhỏ chính thức nhập ngũ vào tiểu đoàn Trương Định thuộc Tỉnh đội Gò Công, sau đó được điều sang Đội cảm tử, Tiểu đoàn 307, chiến đấu chống Pháp ở chiến trường Tây Nam bộ. Từ năm 1948 - 1949, Nhỏ cùng một nhóm chiến sỹ đi bộ 7 tháng trời trong rừng và may mắn được anh hùng Đinh Núp giúp đỡ, tổ chức giải cứu cho một số nhà tù chính trị tại nhà tù Đắc Tô.
Sau cuộc giải thoát này, Nhỏ được cấp trên giao nhiệm vụ làm Trưởng ban đưa một số chiến sĩ ra Bắc. Năm 1952, Lê Văn Hinh vinh dự là một trong 8 chiến sỹ thi đua toàn quốc đầu tiên về chiến khu D dự Liên hoan anh hùng, chiến sỹ thi đua cụm 21 tỉnh Nam bộ. Năm 1954, cựu binh Lê Văn Hinh cùng đơn vị tập kết ra Bắc.
Tuy nhiên, vì đang bị thương ở chân nên ông được đồng đội khiêng đi cùng đoàn thương binh hơn 1.000 chiến sỹ. Ông hồi nhớ, “vì lúc đó mang trên mình 7 vết thương nên tôi phải mất khá nhiều thời gian điều trị tại trại 14, Hà Nội. Điều may mắn là trong thời gian dưỡng thương ở đây, tôi may mắn được các anh em cùng phòng dạy chữ, biết đọc, biết viết thành thạo”.
Ký ức hào hùng ngày tiến vào Dinh Độc lập
Sau thời gian sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế, ông Hinh được triệu tập về nước tiếp tục trở lại chiến trường Nam Bộ. Lúc này, ông tham gia hoạt động tình báo với mật danh H5 dưới nhiều danh phận: lái xe, cảnh sát, nghệ sĩ cải lương, hộ lý…và đã lập nhiều chiến công vang dội.
Năm 1975, trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, sự kiện quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đầu hàng vô điều kiện, có một phần công lao của Lê Văn Hinh. Trong vai “thiếu úy cảnh sát dã chiến”, ngày 18/4, ông được cử vào làm bảo vệ khu vực Dinh Độc lập.
Ông kể, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đoàn xe tăng của quân giải phóng tiến đến cổng Dinh nhưng không thể vào hay húc đổ hàng rào được vì tất cả đã bị cài điện. Ngay lập tức, viên “thiếu úy cảnh sát dã chiến” trực tiếp trà trộn vào hàng ngũ của địch, tìm gặp một Thiếu tá cảnh sát VNCH - người đang giữ chìa khóa hệ thống điện trong Dinh Độc lập.
Hai bên không hề biết nhau nhưng sau khi thuyết phục “người anh em”, toàn bộ cầu dao lớn, nhỏ trong trung tâm đầu não cuối cùng của chính quyền VNCH đã bị ngắt hoàn toàn. Đoàn xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng chính và cổng phụ, tiến vào sân Dinh Độc lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện…
Sau ngày đất nước thống nhất, cựu chiến binh Lê Văn Hinh được ra Bắc điều dưỡng và giám định thương tật với kết quả 61%, thương binh hạng 2/4. An dưỡng ở đây một thời gian, ông xin đơn vị cho về Nghệ An sống với người phụ nữ mà ông lấy làm vợ năm 1957, trong dịp ông về công tác tạ Quân khu 4.
Cuộc sống lúc bấy giờ của ông quá vất vả, khó khăn bởi sức khỏe giảm sút do thương tật nặng, nhất là những viên đạn còn nằm trong đầu, cánh tay. Nhưng nhờ sự động viên, chăm sóc của vợ con giúp ông phần nào vơi đi nỗi đau. Giờ đây, ông đã yên tâm khi các con đã phương trưởng, con cháu đề huề.
Với những cống hiến suốt hai cuộc kháng chiến, cựu đặc công Lê Văn Hinh vinh dự được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương chiến sỹ giải phóng, Huân chương chiến sỹ vẻ vang, Huân chương chiến công hạng 2...