“Ông ấy thì hư hẳn”
“Khi cử ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng, Quốc trưởng Bảo Đại giao liền toàn quyền dân sự và quân sự (sắc lệnh 38/QT ngày 16/5/1954).
Sự ủy quyền vô hạn như thế có thể giải thích là một cách gián tiếp thú nhận thất bại, hay một cử chỉ trút gánh của người hữu trách đầu hàng thời cuộc? Hoặc là vì tình thế bi đát đến nỗi người được phó thác nhiệm vụ quá nặng, thấy cần có quyền hành xứng đáng mới chịu đảm lãnh công cuộc cứu vãn?
Hai giả thuyết đó, tuy thoạt tiên có vẻ hữu lý, đã sớm bị phủ nhận do những sự thật khó lòng che đậy.
Một người quen chi phối qua những trung gian dễ bảo, giữ quyền tối cao với trách nhiệm tối thiểu, lại được sự phù tác đắc lực của vụ quân sư khéo tay dàn cảnh: Rồi hễ thấy trái ý, hết lợi, hay không lo nổi việc đỡ đòn, thì bày trận mê hồn, cậy La Sát đẩy Thiên Lôi, vời Long Thần đuổi La Sát...
Một người bạn bảo tôi: “Ba họ Nguyễn, một họ Trần đã mắc mưu. Bù nhìn của bù nhìn, thì phải như thế. Như thế mãi hay sao?
Cuộc họp ở Tòa Đô Chính quyết định truất phế Bảo Đại. Tấm hình Bảo Đại bị gỡ ra ném xuống đất |
Các điện tín hay công hàm vẫn được gửi từ lâu đài Thorence (nơi ông Bảo Đại sống tại Pháp – NV) về dinh Độc Lập, để khuyến dụ về vấn đề này hay biến chuyển khác, mỗi lần đều theo lối bắn tin, nghĩa là chẳng bao giờ Quốc trưởng nói thẳng cho Thủ tướng, mà chỉ để cận thần nhắn lại: “Đức Quốc trưởng nhận xét rằng. Đức Quốc trưởng nghĩ rằng. Đức Quốc trưởng yêu cầu rằng...
Rằng cần mở rộng nội các, rằng nên mời tướng Bảy Viễn tham gia, rằng không nên thay thế Tổng Tham mưu trưởng, rằng hãy để nguyên tổ chức Hoàng triều Cương Thổ... Cứ như rứa, thì còn đâu là toàn quyền đã ủy? Sao Quốc trưởng không về làm lấy cho xong?”.
“Ông Khải Định có sống lại mà bảo, chưa chắc dám về. Để cho ở bên nhà lục đục rọ cua, thì mới còn kẻ này kẻ kia đi mách đi tâu và xin can thiệp, chớ nếu anh Bảy hay ông Năm lại ăn cánh với ông Diệm mà huề cả làng, thì chẳng ai cần thủ chỉ trọng tài nữa, lúc đó không khéo nguy...”.
Người bạn đã gán cho nhà lãnh đạo - lãnh đạo theo lối hàm thụ từ Pháp - một dụng ý mà chính ông Ngô Đình Nhu về sau cũng nhận rằng không phải là dại, khi đến lượt ông này phải nghe phàn nàn về một số cộng sự hay có chuyện bất hòa, hay mách hay thưa.
Dẫu sao, về phía ông Ngô Đình Diệm, thì đòi toàn quyền là sự dĩ nhiên. Ai đã từng hiểu biết ông, chắc cũng thấy là không thể khác. Đành rằng khi ấy ông chưa tin hẳn và sứ mạng như về sau này; nhưng đối với ông, Quốc trưởng không rõ thực trạng xứ sở, lại chịu áp lực của ngoại nhân, hay sự huyễn hoặc của nhiều phe nhóm.
Ông Diệm chỉ tin ở chính mình, nên mọi việc phải do ông tự ý quyết định: “Bà Nam Phương thì còn tốt, chứ ông ấy (ý nói Bảo Đại – NV) thì hư hẳn, chỉ ham chơi, có đức thì mới đáng có quyền”. Ông đã phê phán như vậy, thì khi nào chịu ép mình và nhận một phần quyền như các ông Trần Văn Hữu hay Nguyễn Văn Tâm?
Vả lại, những người thân tín của ông đều muốn ông được rộng tay hành động để đổi ngược hẳn chính sách cũ mà họ thường chê trách từ lâu: Phải ra khỏi Liên hiệp Pháp.
Quốc trưởng Bảo Đại đã thừa biết lập trường của ông Diệm ngay từ khi tiếp xúc tại Hồng Kông vào năm 1949.
Vậy khi vời ông Diệm lập chính phủ, phải chăng Quốc trưởng muốn thay đổi chính sách theo hướng ông Diệm hay sao? Chứ đời thủa nào ai giao toàn quyền cho một người có chủ trương khác hẳn của mình, trừ trường hợp bị cưỡng bức?
Sự bất đắc dĩ của Bảo Đại trước sự can thiệp của nước ngoài, đã được gợi trên báo chí ngoại quốc hồi đó, và còn được xác nhận do vài nhà bình luận thời cuộc trong những cuốn sách đã xuất bản tại Pháp và Hoa Kỳ.
Song chẳng cần tra cứu, và chỉ nhớ lại những việc đã xảy ra, cũng thấy rõ sự miễn cưỡng: Một đằng phải cho thì vội tiếc và cố giành lại; một đằng đã đòi thì lấy thiệt mà không khi nào chịu trả, không hề có sự tương đắc tri ngộ cổ điển giữa hai người chung cuộc.
Hình nộm Bảo Đại bị bêu ngoài quảng trường chợ trung tâm ở Sài Gòn năm 1955 |
Điều bất thường ít thấy trong lịch sử, là người thụ ủy ở đây không nhận quyền để tiếp tục hoặc thi hành chính sách của người ủy thác, nhưng chính là để phủ nhận, biến cải, hay hủy tiêu những gì thuộc chính sách đó.
Cái hố ngăn cách ngày càng bị đào sâu
Một trong những công việc đầu tiên của Thủ tướng mới, là gạt bỏ những người được Quốc Trưởng tin dùng xưa nay: Các thủ Hiến ba phần (ngày 9/7/1954 và ngày 4/8/1954), tướng Tổng Tham mưu (ngày 10/9/1954).
Những biện pháp quyết liệt đó gây nhiều xúc động. Quốc trưởng thấy cần chế ngự, nên đòi mở rộng chính phủ vì lý do đoàn kết, nhưng thực ra để đưa vô tham chánh một số người thân tín của mình hoặc đối lập với Thủ tướng: có như vậy mới mong chia sẻ bớt quyền hành quá rộng, hay ngăn cản những dự định trái đường lối cũ, nhất là đối với những tổ chức và nhân vật ủng hộ Quốc trưởng.
Ông Diệm không chấp nhận các tướng Lê Văn Viễn, Nguyễn Văn Hinh và Nguyễn Văn Xuân, chỉ mời tham gia nội các cải tổ ngày 24/9/1955 một số lãnh tụ Hòa Hảo và Cao Đài. Nhưng Thủ tướng lại vội đặt vấn đề gay go, là sáp nhập vào quân đội quốc gia những lực lượng riêng mà các đảng phái muốn duy trì bằng mọi cách để làm phương tiện tự vệ tranh đấu (ngày 9/10/1954).
Ngày 19/10/1954, Thủ tướng còn gửi điện văn chúc vạn thọ Quốc trưởng, song không khí mỗi ngày một nặng nề hơn. Quốc trưởng nhiều lần ngỏ ý muốn chính phủ hòa hoãn trong việc đối nội và đối ngoại; nhưng nhiều người hiểu rằng vua Lê 1954 chỉ nhằm nâng đỡ vài phe nhóm để mượn sức chư hầu át bớt thế lực của một chúa Trịnh quyền khuynh thiên hạ.
Mít tinh đòi truất phế Bảo Đại |
Để đáp lại, chúa ban hành một loạt biện pháp ngăn chặn nguồn lợi chính của các đoàn thể võ trang và cắt xén vây cánh của vua; sòng bạc Đại Thế Giới bị đóng cửa từ ngày 15/1/1955; trợ cấp mà Quân đội Pháp trước kia vẫn trả cho các lực lượng giáo phái, không được ngân sách quốc gia đài thọ; phái đoàn quân sự Pháp phải nhường từ ngày 12/2/1955 cho phái đoàn quân sự Mỹ việc tổ chức và huấn luyện quân đội quốc gia…
Quốc trưởng yên trí là đã trót giao hết quyền rồi, nên cố tìm cách rút lại. Nhưng đối với Thủ tướng, toàn quyền đó mới có trên giấy tờ và còn chờ thực hiện trên căn bản thống nhất: Thống nhất quân đội, không thể có những lực lượng riêng biệt; thống nhất hành chính, không thể có địa phương tự trị; thống nhất tài chính, không thể cho thâu những sắc thuế do mỗi vùng tự động đặt ra (Tuyên bố ngày 12/3/1955).
Khốn nỗi, chúa Trịnh diệt Mạc và thu giang sơn về một khối, đâu phải để dâng lại vua Lê? Bên cạnh nhà vua, thiếu chi những ông nghè thuộc sử?
Nên cái hố giữa Quốc trưởng và Thủ tướng càng bị đào sâu, và có lẽ rộng bằng từ Sài Gòn sang Cannes. Cuộc xung đột bắt đầu bằng tuyên bố, thông điệp và điện văn giữa hai nhà lãnh đạo, được các phe liên hệ ùa theo, lan tràn từ các văn phòng ra các phố phường, rồi cuộc đấu khẩu đưa tới đấu võ: Đêm 24/3/1955, súng nổ dậy Đô Thành.
Quốc trưởng giục Thủ tướng thực hiện đoàn kết. Thủ tướng đặt ra Sở Cảnh sát Sài Gòn, hoàn toàn biệt lập đối với Tổng nha Cảnh sát Công an do một yếu nhân Bình Xuyên điều khiển. Các đảng phái nhóm họp và đòi chính phủ thực thi dân chủ. Hội đồng Tôn nhân phủ ở Huế lại gửi điện ủng hộ Thủ tướng, và Phong trào Cách mạng Quốc gia yêu cầu Quốc trưởng can thiệp để chấm dứt nạn “thập nhị sứ quân”.
Quốc trưởng cử một tướng làm Tổng Tham mưu trưởng và triệu Thủ tướng qua Pháp trình bày tình thế, trong khi công an xung phong của Bình Xuyên tấn công Sài Gòn. Hội đồng các tướng lãnh yêu cầu Quốc trưởng giữ nguyên tướng Lê Văn Tỵ ở chức vụ Tổng Tham mưu trưởng, và Hội đồng Cách mạng đòi truất phế Quốc trưởng.
Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức ở Sài Gòn, ở Huế và nhiều tỉnh lỵ để ủng hộ Thủ tướng. Hàng chục bài báo công kích Quốc trưởng, và nhiều biểu ngữ khẩu hiệu được treo hay viết trên tường để mạt sát một người không còn được gọi là “Đức”: “Bảo Đại hại dân”.
Một Ủy ban gồm các đại diện 15 đoàn thể đề nghị mở cuộc trưng cầu dân ý để truất phế Quốc trưởng và suy tôn Thủ tướng (ngày 14/10/1955).
Để đối phó, Quốc trưởng từ Cannes ra sắc lệnh bấy giờ mới ra, chấm dứt nhiệm vụ Thủ tướng (ngày 18/10/1955).
Quyết định này chẳng được mấy ai chú ý, và chỉ có tính cách một cử chỉ tuyệt vọng của người tự vệ đến cùng, hoặc một văn kiện gượng gạo chống án tử hình gửi vào lúc chót.
Đoạn tuyệt vụ ủy quyền “không tiền khoáng hậu”
Ngày 23/10/1955, những con số chính thức về hàng triệu lá phiếu được Bộ Nội vụ đưa ra khai nguyên trào mới, cắt đứt một cuộc ép duyên chính trị hay một vụ ủy quyền không tiền khoáng hậu “...tôn quân, bảo hoàng, trung thành với Ngài...”.
Ông Diệm tại cuộc “trưng cầu dân ý” |
Vấn đề trung thành đáng lẽ không nên đặt ra. Vì lòng trung thành của cá nhân là mối dây thiêng liêng ràng buộc con người trong đồ tư hoặc ở thời phong kiến xa xôi, không còn là bổn phận của chính khách đối với chính khách trên trường chính trị.
Nhưng ông Ngô Đình Diệm không phải là người có tâm lý chính trị mới mẻ như vậy. Sinh trưởng trong một gia đình triều thần, được đào tạo theo nếp giáo dục cổ truyền, rồi chính ông lại thừa phụ nghiệp mà thờ nhà Nguyễn: hẳn ông không phủ nhận những mối liên lạc tinh thần giữa vua tôi và thầy trò thủa trước. Hẳn người dưới thừa hiểu, nên nhiều kẻ thông minh không quên nhắc đi nhắc lại trong các công văn hay chứng từ: “Xin Tổng Thống nhận nơi đây lòng tri ân và trung thành bất diệt của...”
Một ý kiến thì lý giải: “Năm xưa ông ấy bị ông Bảo Đại cắt chức Thượng thư và thu lại cả mề đay kim khánh, chỉ còn để lại cho hàm Tuần Vũ. Thì bây giờ ác giả ác báo chứ sao?”
Nhưng ông khác bẻ: “Không đúng. Vì ông Diệm cũng biết thừa là Tây bảo cách, đâu phải ông Bảo Đại cách? Ông Bảo Đại không thù ghét gì ông Diệm, cũng như không thù mà còn mến ông Nguyễn Đệ là người cùng bị đuổi về một lúc với ông Diệm. Nên ông Đệ lại được trọng dụng. Vả lại, nếu biết điều, thì ông Diệm nên ơn ông Bảo Đại là khác, vì có bị cách mới có thành tích đáng kể, để sau này xuất hiện”.
Nếu vậy, giữa Quốc trưởng và Thủ tướng, không có tư hiềm? Đã thế, thì vẫn có thể còn tình nghĩa vua tôi? Một ý kiến phản bác: “Có những kẻ bắt vợ trung thành, nhưng chính mình vẫn đuổi gái. Đòi trung thành không phải là chính mình cũng trung thành, vì có ích kỷ mới đòi, và đã ích kỷ thì chỉ muốn một chiều”.
Nhưng về sau, về phía ông Diệm, tôi cảm thấy có sự gì phân vân, như đã dám mà không nỡ đi đến cùng?
Việc truất phế thành sự đã rồi, một hôm ông nhắc văn phòng: “Bà Từ Cung, thì cứ cho dưỡng già, cho tiền nuôi. Bà Nam Phương, không sao. Lăng miếu nhà Nguyễn thuộc về lịch sử”.
Cách đó ít lâu, một nghị định trợ cấp mỗi tháng 5.000 đồng cho thân mẫu cựu Quốc trưởng. Rồi Nha Kiến thiết được lệnh sửa chữa những cung điện ngoài Huế.
Còn đối với tài sản của cựu Quốc trưởng, thì mãi chưa thấy quyết định. Nhiều người cho là vì có sự khó khăn về phương diện pháp lý. Của cải chỉ có thể bị tịch thu, nếu có tội trạng rõ rệt, và bị một tòa án tuyên phạt hay một đạo luật cho phép.
Nhưng ông Bảo Đại tội gì, và ai xử? Nếu có thể ban hành một văn kiện, thì hà tất trưng cầu dân ý? Lỗi về chính trị chưa hẳn là tội về hình pháp. Nên ở trường hợp này, cần tìm xem có những gì đã thủ đắc phi pháp?
Vì thế, một Ủy ban đã được thiết lập để điều tra. Và mãi tới cuối năm 1957, một đạo luật 17/57 do Quốc hội biểu quyết, mới tuyên bố sung công tài sản của ông Vĩnh Thụy và các bà vợ, hoặc đứng tên ông Vĩnh Cẩn, ông Nguyễn Đệ và vợ.
Những tài sản của vợ chính thức cũng bị tịch thu nếu thủ đắc sau ngày 8/31949, ngoại trừ những của thừa kế. Nghĩa là bà Nam Phương không mất gì hay không mất bao nhiêu, vì hầu hết của cải thuộc bà đều sẵn có trước ngày ký thỏa ước Elysee, và do cha mẹ hay cô cậu bà để lại.
Cung An Định và ngay Biệt điện Đà Lạt chẳng hề được đoái hoài; những đồn điền hay công ty đứng tên bà này hay ông kia không có hoa lợi đáng kể, và không cần thiết cho đương sự như du thuyền Hương Giang hoặc lâu đài Thorence khi đó ở ngoài tầm luật pháp VNCH.
Công bố kết quả cuộc bỏ phiếu |
Ngày 23/10/1955, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức, và ngày 26, kết quả được chính thức tuyên bố như sau: 5.721.735 phiếu thuận truất phế Bảo Đại, và công nhận Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên chức vị Quốc trưởng; 44.155 phiếu không hợp lệ: 131.395 người không bỏ phiếu; và chỉ có 63.017 phiếu không chịu truất phế...
Thế cờ không thể bị đảo ngược
Trong câu kết bản tuyên cáo của tân Quốc trưởng đọc ngày 26/10/1955, tôi đã chú ý nhất đến những chữ “hợp với ý chí toàn dân”. Tôi đã tự hỏi: ngoài việc bỏ phiếu, dù gian lận, hay không gian lận, có thể dựa vào những sự thật nào khác để biết là lòng dân hồi đó đã ngả về ai?
Một điều chắc chắn, là ngay từ 1952, chế độ Quốc trưởng 1949 đã mất nhiều tín nhiệm, vì không thực hiện nổi những công cuộc mà dân chúng đợi chờ, nhất là sự tái lập an ninh và thu hồi chủ quyền. Hại hơn nữa, dù trút trách nhiệm cho các chính phủ, Quốc trưởng vẫn mang tiếng là thụ động, nhu nhược, và phóng đãng.
Rồi tới khi tình thế ngửa nghiêng, ông lại cùng những người thân tín rời xa xứ sở, bỏ mặc dân trong hoang mang, ly tán, và nguy khốn. Chính những người đã thực tâm tận tụy với ông, như ông Nguyễn Hữu Trí, cũng phải chán nản vì thái độ tiêu cực của ông. Còn những người hay theo nhóm ông vì thân Pháp và nể Pháp, thì đã lảng xa ông khi biết rằng sắp không còn lợi giừ nữa, vì Pháp cũng thất thế và chuẩn bị rút về.
Như thế, ông đã tự mình dọn đường và lui bước cho người khác tiến lên. Một đối thủ, dù chỉ tỏ ra tương đối hơn ông về một hai phương diện, cũng có thể vượt ông và giành chỗ đứng của ông. Huống chi người ấy lại do chính tay ông vời tới nhượng quyền, và còn mới mẻ đối với đa số, nghĩa là chưa mắc tiếng không hay, mà còn là được một số ca tụng.
Ông Diệm đọc diễn văn nhậm chức |
Xét về thực lực, điều kiện tối yếu của thắng lợi chính trị, thì ông đã suy sút quá nhiều. Từ tháng 4 - 10/1955, chẳng thấy ai lên tiếng bên ông. Trong khi đó, đối phương được sự trợ lực của một thiểu số chịu hoạt động, nhất là ở miền Trung là nơi đáng lẽ ông phải có nhiều uy tín. Ấy là chưa kể lực lượng quân đội mà ông đã quan tâm tổ chức từ 1950, nhưng lại không biết cách hoặc bỏ lỡ dịp thu phục đề điều động trong giờ hữu sự.
Nên cuộc trưng cầu dân ý, dù có hay không, ngay thẳng hay lắt léo, cũng không thể đảo ngược hộ ông một thế cờ đã bí.
Năm 1948, ông là hiện thân của một sự thất yếu lịch sử. Song cũng như của mọi con người mọi thời cuộc, ông không thể tồn tại khi xứ sở chuyển sang giai đoạn khác. Rồi đến lượt người sau cũng vậy”.