Chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai |
“3 hóa” để vào lòng địch
Từ năm 1954-1957 khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai được lệnh ở lại hoạt động tại Sài Gòn. Theo lệnh của Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, Trần Hải Phụng, “Đồng chí Năm Lai phải lo đủ 3 cái “hóa”, đó là nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa và hợp pháp hóa (có đầy đủ các giấy tờ của địch)” nhằm hoạt động trong lòng địch, trinh sát các mục tiêu theo nghề nghiệp, báo cáo thường xuyên về Quân khu các tin tức, tài liệu, tình hình của địch và tạo điều kiện cho các cán bộ của ta ra vào kiểm tra, trú ém và hoạt động an toàn tại nội thành Sài Gòn.
Trần Văn Lai đóng vai Nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập, dùng tên giao dịch là Mai Hồng Quế. Đồng thời được tổ chức sắp đặt vào làm tại cơ quan Viện trợ hậu cần (U.S.O.M) của Mỹ, tại đây ta thu thập được bản đồ, họa tiết thiết kế xây dựng các công trình cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn phục vụ yêu cầu hoạt động của Biệt động Sài Gòn.
Thời kỳ này, Quân khu ủy chỉ đạo chuẩn bị xây dựng một số hầm chứa vũ khí có ý nghĩa chiến lược tại nội thành Sài Gòn, Trần Văn Lai được chọn là một trong số các đồng chí xây dựng hầm nằm tại chỗ, đồng thời có đủ các điều kiện để tạo nên một hầm vũ khí đảm bảo lâu dài và tuyệt đối bí mật. Tiếp đó, Quân khu chỉ thị cho chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai bán 2 căn biệt thự số 6 và số 8 Tự Đức, Phú Nhuận (nay là Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận) là tài sản riêng của gia đình đồng chí để tạo một số chỗ ở mới chuẩn bị cho ý đồ lâu dài gần Dinh Độc Lập.
Năm 1965, dưới cái vỏ bọc nhà thầu trang trí nội thất trong Dinh Độc Lập, Trần Văn Lai đã nghiên cứu vẽ sơ đồ, nắm quy luật tuần tra canh gác của binh lính tại Dinh. Tại đây Trần Văn Lai đã vẽ sơ đồ Dinh Độc Lập sau đó ngụy trang và vận chuyển thành công ra Quân khu. Trần Văn Lai đã dùng xe chuyên dùng hợp pháp dưới danh nghĩa Nhà thầu khoán Mai Hồng Quế trong Dinh Độc Lập, tự lái xe đưa thủ trưởng đơn vị Biệt động 159 và là người Chỉ huy Trận tấn công Tòa Đại sứ Mỹ Tết Mậu Thân 1968 từ căn cứ về Sài Gòn trinh sát và ngược trở ra căn cứ an toàn.
Mưu trí “hóa giải” tình huống nguy hiểm
Trong công tác đưa đón, hướng dẫn cán bộ đi kiểm tra chiến trường nội thành, “Năm U.Som” đã mưu trí xử lý những tình huống nguy hiểm. Có lần đồng chí Thường vụ Đảng ủy của ta đi kiểm tra một số cơ sở trong nội thành. Khi chiếc xe Citroen du lịch của Trần Văn Lai đậu đúng điểm hẹn. Lai bước ra, nhấc mũ, vuốt tóc hai lần. Nhận đúng ám hiệu, đồng chí của ta từ ngõ hẻm bước ra. Bất ngờ chiến sĩ của ta chạm trán với Đội tuần cảnh.
Do ít vào hoạt động nội thành, chiến sĩ của ta thoáng giật mình. Nhanh trí, Trần Văn Lai nhìn thẳng vào mặt đồng đội sừng sộ quát: tại sao còn lẩn quẩn ở đây? đã mua được hàng hóa chưa? Nhận ra phút nguy hiểm do sơ suất, chiến sĩ của ta làm ra vẻ như lúng túng, sợ sệt thưa bị mất hết tiền. Trần Văn Lai giáng luôn cho người của ta một bạt tai và mắng “đồ ăn hại, hôm nay về chết với tao”.
Tên đội trưởng tuần cảnh vẫn không hết nghi ngờ hỏi Lai và người này quen biết nhau thế nào, yêu cầu cho xem giấy tờ. Trần Văn Lai đưa giấy có chữ ký của Trung tá Huỳnh Giá-Trưởng phòng Nội dịch kèm con dấu của Phủ Tổng thống khiến hắn lúng túng và chịu thua. Lai rút bao thuốc mời tên đội trưởng và cả bọn, đồng thời mở bóp lấy luôn tờ 500 đồng và nói “Trong nghề làm ăn dịp may gặp anh em đây, qua đãi mấy anh em một chầu cà phê, mình còn qua lại, còn gặp anh em nữa”.
Đặc biệt từ năm 1962, chấp hành yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân khu về tổ chức xây dựng hầm chứa vũ khí có ý nghĩa chiến lược tại nội thành Sài Gòn, Trần Văn Lai được chọn xây dựng hầm nằm tại chỗ và có đủ các điều kiện để tạo nên một hầm vũ khí thật lớn, đảm bảo lâu dài và tuyệt đối ngăn cách bí mật.
Một mình Trần Văn Lai đào và xây dựng hệ thống hầm bí mật tại nhà riêng của đồng chí, tại địa chỉ 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (Trần Quý Cáp, quận 3) chứa trên 2 tấn vũ khí an toàn tuyệt đối phục vụ cho trận tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 và một số mục tiêu khác tại nội thành Sài Gòn. Tại căn hầm này là nơi Đội 5 Biệt động tập kết quân và xuất phát tấn công Dinh Độc Lập ngụy quyền Sài Gòn.
Trần Văn Lai bên hầm vũ khí bí mật giữa lòng Sài Gòn |
Tự vận chuyển hàng chục tạ vũ khí xuống hầm
Một tháng sau đó, Trần Văn Lai được chỉ thị chuẩn bị tiếp nhận vũ khí, vũ khí chuyển về Sài Gòn bằng nhiều cách nhưng còn nhỏ giọt và tốn nhiều công sức. Riêng nhà thầu khoán với đặc quyền riêng của nhà thầu Dinh Độc Lập được Bộ Chỉ huy Quân khu lên phương án làm ăn lớn. Tháng 9/1967, “Năm U.SOM” bắt đầu nhận vũ khí từ căn cứ chuyển về, vũ khí từ căn cứ chuyển về nội thành, một mình nhà thầu khoán chuyển vũ khí xuống hầm bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Chuyến xe chở vũ khí về hầm lần đầu được thiết kế bên trong hai bộ ván ngựa rỗng ruột rất nặng, chiều dày ván đủ xếp lọt những quả đạn B.40, B.41, thuốc nổ… Tuy vậy, Trần Văn Lai vẫn phải bình tĩnh chuyển xuống hầm an toàn chỉ với một mình. Cái khó đầu tiên là chiếc xe chở vũ khí về quá lớn, căn nhà có hầm bề ngang vừa đủ bề ngang xe, nếu lái chệch tay lái qua phải hay sang trái một chút sẽ gây tai hại cho mình và cho nhà hàng xóm. Chiến sĩ biệt động “Năm U.SOM” phải canh thật kỹ hai bên, lái xe từng tí một, đưa xe vào đúng vị trí.
Cái khó nữa là phải làm sao ra khỏi xe, tài xế không thể xuống đất theo lối cửa xe vì vướng tường và cũng không có chỗ chui xuống thùng xe. Anh suy nghĩ chỉ còn cách duy nhất là đập vỡ kính chắn gió, “Năm U.SOM” dùng khuỷu tay thúc mạnh, tấm kính bị rạn ra như mạng nhện, bóc từng mảng kính mà các cạnh đều tròn và nhẵn ra dễ dàng.
Ra khỏi xe rồi, làm cách nào để đưa nổi hai khối vũ khí nặng hàng trăm kg từ trên thùng xe đặt nhẹ nhàng xuống đất chỉ với một mình. Nếu nặng tay, mìn hay đạn để trong tấm ván bị va chạm mạnh, sẽ nổ. Trần Văn Lai băn khoăn vì hai tấm ván ngựa dày tới 20cm, ngang 0,9m, dài hơn 2m, anh dùng tay nhấc thử nhưng không thể nào xê dịch nổi. Nhưng rồi, Trần Văn Lai sáng kiến dùng kích xe ôtô nâng một đầu tấm ván lên cao, rồi đặt một ống nước tròn xuống dưới làm con lăn.
Khi tấm ván thứ nhất lăn ra khỏi thùng xe được vài chục cm, Trần Văn Lai chợt sững lại. Anh không thể để khối thuốc nổ và súng đạn rơi tự do từ trên thùng xe cao hơn một mét xuống thẳng mặt đất. Phải có cách nào để hạ tấm ván hết sức nhẹ nhàng. Anh đổ 4 vại nước, lăn vại đến sau thùng xe rồi xúc cát đổ đầy vào. Anh dùng 2 chiếc lốp ôtô đặt lên trên làm đệm. Vẫn chưa thật an tâm, anh quơ chiếc đệm mút và toàn bộ chăn màn, chiếu gối, quần áo dùng để kê, chèn, lót. Bước còn lại là nhờ vào sức khỏe, tài khéo léo và mức độ thận trọng của anh. Anh vẫn dùng kích ôtô nâng độ cao của tấm ván, đặt ống nước tròn làm con lăn và dùng đôi vai của mình vừa đỡ, vừa kéo, hạ một đầu tấm ván xuống chiếc lốp ôtô rồi nhích dần xuống vại cát và đệm mút.
Tấm ván thứ hai, Trần Văn Lai chọn phương pháp an toàn nhất vì không thể để tấm này trượt rơi và đè lên tấm ván trước, dễ gây nổ do chấn động mạnh. Anh cạy nắp tấm ván, cởi bộ quần áo đang mặc để bọc súng, thuốc nổ đưa dần xuống hầm. Tiếp đó anh đậy nắp tấm ván lại và đẩy tấm ván rời khỏi thùng xe. Anh lại chui qua cửa chắn gió để lọt vào buồng lái, lái xe nhích dần về trước, thoát ra khỏi nhà. Sau đó là chuyến xe thứ 2, thứ 3, tổng cộng trên 2.000 kg vũ khí gồm thuốc nổ TNT, C4, dây nổ, súng các loại, lựu đạn và các trang bị chiến đấu khác được chuyển về trung tâm Sài Gòn.
Địch treo thưởng bắt “Năm U.SOM”
Đêm mồng 1 rạng mồng 2 Tết Mậu Thân, hầm vũ khí của Trần Văn Lai được Ban Chỉ huy chiến đấu mục tiêu tập trung về tại đây khui hầm bốc dỡ, lắp ráp các thiết bị vũ khí, lau chùi súng đạn và làm trái nổ (bộc phá) ngay trong đêm, chờ “giờ G” xuất phát tấn công đánh chiếm Dinh Độc Lập.
Trong lúc các đồng chí thực hiện việc lắp ráp các thiết bị vũ khí, làm trái nổ, Trần Văn Lai phải liên tục dùng bàn ghế có chân sắt kéo lê trong nhà, ra vào kéo đóng cửa sắt để át tiếng kêu của các thiết bị vũ khí, đồng thời cảnh giác tình hình địch và các nhà xung quanh. Sau khi lắp ráp, tất cả các vũ khí, trái nổ cùng các trang thiết bị chiến đấu khác được đưa lên 2 xe ôtô riêng của Trần Văn Lai.
Đúng “giờ G”, 2 chiếc xe ôtô nói trên chở toàn bộ đơn vị, vũ khí, trái nổ xuất phát tấn công đánh chiếm mục tiêu Dinh Độc Lập. Do đột biến vào giờ chót, địch tăng cường giới nghiêm thiết quân luật trong thành phố, Cụm tấn công được lệnh chia vũ khí thêm 4 mục tiêu nữa là: Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tòa Đại sứ Mỹ và Phủ Đặc Biệt.
Sau 4 ngày nổ súng phát kích, địch phát hiện ra địa điểm tập kết xuất quân và cất giấu vũ khí, địch đã mở cuộc hành quân bao vây các đường phố Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Trần Quý Cáp, Lê Văn Duyệt, có trực thăng vào trọng điểm xung quanh căn nhà yểm trợ, địch dùng súng bắn phá cửa sắt phía trước và cửa sau để vào bên trong căn nhà (hiện cửa sắt phía trước vẫn còn nguyên dấu tích các vết đạn của địch bắn từ năm 1968).
Sau trận tấn công vào Dinh Độc Lập, địch đã tịch thu toàn bộ tài sản, nhà cửa, xe cộ, tiền, vàng, truy lùng và treo giải thưởng trên báo chí, vô tuyến truyền hình, đài phát thanh cho ai bắt được Trần Văn Lai.
Cuối năm 1968 và đầu năm 1969, một số cán bộ đầu não của ta bị lộ, Trần Văn Lai được chỉ thị cho phép tạm điều lắng, tránh mũi nhọn địch đang truy lùng, tạo điều kiện trở về căn cứ giải phóng khi cần thiết và khi có lệnh rút về vì địch đang truy lùng ráo riết và treo giải thưởng cho bất kỳ ai bắt được Trần Văn Lai.
Năm 1969, tình hình căng thẳng giữa ta và địch ở nông thôn vùng ven và ở nội thành trong chiến dịch bình định cấp tốc của địch, Trần Văn Lai phải dựa vào cơ sở quần chúng nòng cốt để ra Quảng Ngãi tránh né. Năm 1970-1974, Trần Văn Lai 2 lần bị địch bắt giam ở Quảng Ngãi. Khi bị địch bắt, dù phải chịu nhiều đòn tra tấn hiểm độc, dã man, đồng chí vẫn một lòng một dạ kiên trung, bất khuất, xứng đáng là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trần Văn Lai về công tác tại Đơn vị Tiền phương B.12 Bộ Tư lệnh Thành đội Sài Gòn - Gia Định, được giao nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, tiếp quản nhà các sĩ quan địch bỏ chạy. Được phân công nhiệm vụ Trưởng ban quản lý Thương xá Tam Đa, một Trung tâm Thương mại lớn nhất Sài Gòn thời đó (sau là Trung tâm Thương mại Quốc tế Sài Gòn). Tại đây, nhờ vận dụng và sử dụng toàn bộ công nhân cũ tự quản và bảo vệ do Trần Văn Lai chỉ huy, Thương xá Tam Đa được giữ nguyên vẹn và bàn giao cho Sở Thương nghiệp thành phố vào năm 1976. Năm 1977, Trần Văn Lai về công tác tại Phòng Tổng kết Chiến tranh - Bộ Tư lệnh thành phố cho đến năm 1981 thì nghỉ hưu với quân hàm Thượng úy và là thương binh 1/4 (tỷ lệ 81%).
Ông Huỳnh Văn Cang (Tư Cang), nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/7/2002 ngay sau khi Trần Văn Lai qua đời như sau: “Đồng chí Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) là một Cán bộ tình báo trong nội thành Sài Gòn - đầy dũng cảm, thành tích chất chồng, phẩm chất cao quý”.
Năm 2015, đúng dịp kỷ niệm 40 năm, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), đồng chí Trần Văn Lai được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Ngày 22/4/1984, UBND TP HCM ra quyết định công nhận nhà 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (Trần Quý Cáp) là Di tích Cách mạng. Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa ra quyết định công nhận “Hầm chứa vũ khí tại 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (Trần Quý Cáp)” là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.