Gấp rút “sửa nhà” đón cụ Rùa

 Sau một thời gian được cách ly để tiện việc chăm sóc và chữa trị, Rùa hồ Gươm đã dần dần bình phục. Để chuẩn bị đưa Rùa hồ Gươm “về nhà”, hôm qua - 13/5, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức hội thảo bàn về các giải pháp đảm bảo môi trường sống cho cá thể rùa khổng lồ này.

Sau một thời gian được cách ly để tiện việc chăm sóc và chữa trị, Rùa hồ Gươm đã dần dần bình phục. Để chuẩn bị đưa Rùa hồ Gươm “về nhà”, hôm qua - 13/5, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức hội thảo bàn về các giải pháp đảm bảo môi trường sống cho cá thể rùa khổng lồ này.

Rùa thiêng lao đao trong vì môi trường sống

Vài năm nay, rất nhiều lần Rùa hồ Gươm đã nổi lên mặt nước để “tố” sự ô nhiễm môi trường sống của mình. Quả thực, hồ Hoàn Kiếm ngày nay chẳng khác gì một ao tù bị với mực nước ngày một cạn dần do bay hơi, lớp nước trung bình chỉ còn khoảng 1m. Chế độ thủy động học trong hồ không đủ điều kiện để pha trộn các tầng nước trong hồ. Nước thải và bùn cát do mưa cuốn xung quanh đổ vào đã làm lớp bùn lắng đọng trong hồ ngày càng dày, cản việc lưu thông nước hồ với các nguồn nước ngầm. Nhiều dị vật gạch, đá, bê tông, sành sứ, chai lọ thủy tinh, cành cây, sắt thép... tích tụ trong lớp bùn đất ven bờ hồ. Sự xuất hiện nhiều tảo, lam độc... đều là một hệ luỵ của sự ô nhiễm kéo dài trong hồ.

Các yếu tố môi trường tác động làm cho mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng ô-xy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau, ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động, thực vật trong hồ. Ngày 3/4/2011, đội lai dắt rùa bủa lưới gần trọn một ngày mà không có con cá nào chui vào lưới.

Trước khi cá thể rùa khổng lồ được lai dẫn, mặt nước hồ Gươm có lúc ô nhiễm như thế này
Kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Môi trường và Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật 2010 cho thấy mật độ động vật đáy của hồ Hoàn Kiếm thấp và phân bố chủ yếu ở khu vực ven bờ hồ và xung quan đền Ngọc Sơn. Sự kiện Rùa hồ Gươm ăn mèo chết tháng 3 vừa qua khiến người ta nghi ngờ về sự thiếu hụt nguồn thức ăn cho rùa. Chính vì vậy, cải tạo hồ là việc làm rất cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái, trong đó có loài rùa quý trước nguy cơ bị hủy diệt bởi sự ô nhiễm và sa lắng bùn.

Đã giảm ô nhiễm nhưng chưa đảm bảo tính bền vững

Cùng với việc cách ly “cụ” để làm rõ các nguyên nhân và chữa trị, công tác cải tạo môi trường hồ, loại trừ sinh vật ngoại lai đã được khẩn trương thực hiện. Tháng 3 vừa qua, Sở Xây dựng và Công ty Cấp thoát nước đã loại bỏ các vật cản có thể ảnh hưởng đến đường di chuyển của rùa, gấp rút bổ sung nước cho hồ, thả bè thuỷ sinh để tăng khả năng tự làm sạch và cải tạo cảnh quan cho hồ, kiểm soát hệ thống thoát nước thải của các công trình ven hồ. Bùn và các chất thải cứng gồm những dị vật hàng trăm năm nay không ngừng dồn xuống  như gạch đá, bê tông, chai lộ... đã được loại bỏ tại khu vực cách bờ 10m.

Kết quả phân tích chất lượng nước hồ sau khi nạo vét bùn, rác ven bợ và bổ sung nước vào hồ Hoàn Kiếm thấy mức độ ô nhiễm ở đây giảm và thấp hơn nhiều so với các hồ khác trong thành phố, nồng độ ô-xy đã được nâng lên, môi trường sống cho các loài thuỷ sinh, trong đó có Rùa hồ Gươm được cải thiện. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa đảm bảo được một cách bền vững môi trường trong sạch cho hồ Hoàn Kiếm.

Sau mỗi lần vét dọn hồ, khả năng tái nhập photpho hoạt tính từ trong lớp bùn đáy sâu vào nước rất cao. Việc tăng đột ngột hàm lượng photpho trong nước sẽ gây bùng nổ tảo dẫn đến phú dưỡng, tái ô nhiễm hữu cơ và thay đổi chế độ ô-xy trong hồ.

Giải pháp “mắc điều hòa”

PGS.TS.Trần Đức Hạ - Chủ nhiệm Bộ môn cấp thoát nước - Môi trường nước (Trường Đại học Xây dựng) đưa ra ý kiến, tiếp tục nạo vét thủ công bùn cặn ven bờ kết hợp với nạo vét cơ giới bùn đáy hồ để có thể tăng thêm chiều sâu của hồ 0,3-0,6m. Kịp thời đánh bắt và tiêu diệt rùa tai đỏ và các động vật ngoại lai khác, đồng thời thả thêm một số loại các bổ sung vào hồ với số lượng nhất định để làm thức ăn cho Rùa hồ Gươm và tạo điều kiện xáo trộn các tầng nước trong hồ. Tính toán cải tạo lại đập tràn các hố ga cống thoát nước vào hồ trên phố Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng để tăng lượng nước vào hồ. Ngoài ra, cần bổ sung ô-xy cũng như tạo điều kiện lưu thông các tầng nước trong hồ, chống hiện tượng phân tầng tằng cách làm giàu oxy trong hồ cũng như dùng đài phun nước, cánh quạt nước, máy sục khí... để tăng cường quá trình tự làm sạch trong hồ.

Sức khỏe của Rùa hồ Gươm đã cơ bản hồi phục
Về cải tạo môi trường, cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Văn Thịnh - Công ty Kỹ thuật - Công nghệ HTH đã mạnh dạn đề xuất phương án cải tạo bờ hồ bằng công nghệ bê tông trồng cỏ hay nói vui là “mắc điều hòa” quanh hồ. Vì hiện nay, toàn bộ xung quanh bờ hồ được kè bằng bê tông, các bờ kè bê tông này được tạo dốc 70 độ, có màu tráng xám, do tính chất của bê tông hấp thụ nhiệt nên rất nóng vào mùa hè và rất lạnh vào mùa đông và hầu như mọi loài thực vật không thể sống được trên đó.

Nếu kè bê tông quanh hồ có thể trồng được cỏ đồng nghĩa với việc xung quanh hồ sẽ có thêm ít nhất 5.000-20.000 m2 cây xanh và bớt đi số lượng chừng đó m2 bê tông thông thương, tạo cho môi trường nhiệt độ quanh hồ mát hơn về mùa hè, ấm áp mùa đông. Việc cải tạo bờ hồ từ bê tông thường sang bê tông trồng cỏ, thay đổi độ dốc sẽ giúp cho rùa có thể trèo lên phơi nắng để loại bỏ trùng đĩa. Để tránh cho rùa bò ra khỏi khu vực hồ thì phía trên cùng của bờ kè có bức tường xây thẳng đứng cao 70 cm là đủ. Các hốc cỏ sẽ trở thành môi trường cho một số sinh vật sinh sống được cũng rất tốt cho vấn đề đa dạng sinh học.

Có nhiều ý kiến hay về các giải pháp đảm bảo môi trường sống cho Rùa hồ Gươm. Trong lúc trị bệnh, cá thể rùa khổng lồ đang ngày đêm mong ngóng được sớm trở về, vẫy vùng trong “tổ ấm” linh thiêng của mình. Hy vọng khi đó môi trường sống của Rùa hồ Gươm sẽ khang trang, sạch đẹp. Đây cũng chính là mong mỏi của người dân Việt Nam.

Bảo Châu

Đọc thêm