Gặp "Tướng xe tăng" từng bị Mỹ, nguỵ ra rả gọi đầu hàng

 Trong hành trình trở lại chiến trường xưa, những người  lính lữ đoàn 273 tăng thiết giáp thường nhắc tới một vị tướng mà những năm tháng ở rừng bọn Mỹ ngụy ra rả gọi tên ông ra đầu hàng…

Trong hành trình trở lại chiến trường xưa, tôi thường nghe những người  lính lữ đoàn 273  tăng thiết giáp nhắc tới một vị tướng mà những năm tháng ở rừng bọn Mỹ ngụy thường ra rả gọi tên ông ra đầu hàng…

“Hỡi tướng Kỷ, hãy về với chính nghĩa quốc gia!”

Và rồi tôi đã gặp ông, một vị tướng giữa đời thường, lịch lãm và uyên bác. Đó là Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, người chỉ huy của Quân đoàn 3 xe tăng trong chiến thắng Buôn Mê Thuột và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ ( trái) trong một cuộc hội ngộ

Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ sinh năm 1929 ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, nhập ngũ năm 1949 khi đang là một chính trị viên xã đội. Năm 1950, ông tham gia chiến dịch Biên giới, đánh suốt từ Thác Bờ ( Hòa Bình) tới Đông Triều, Mạo Khê ( Quảng Ninh) rồi ngược đèo Khau Vai đánh vào Nghĩa Lộ (Yên Bái). Tới tháng 8/1951 ông được cử đi học  tại trường Sỹ quan Lục quân ở Trung Quốc rồi được giữ lại làm giảng viên tới năm 1960.

Năm 1961, ông được cử đi học tại Học viện Tăng thiết giáp Trung Quốc . Tháng 8/1971,  ông được cử đi B “ngắn” nhưng đúng thời điểm đó, một thủ trưởng của đơn vị hy sinh nên ông nghiễm nhiên trở thành B “dài” ở chiến trường Tây Nguyên.

Sau chiến thắng Đắc Tô- Tân Cảnh tháng 4/1972, ông là Thiếu tá, Trưởng Ban tác chiến của mặt trận B3 ( mặt trận Tây Nguyên, nay là Quân đoàn 3), là người chỉ huy cao nhất của mặt trận Tây Nguyên lúc đó. Trong những ngày ấy, những người lính của ông vẫn không thể quên, hàng ngày máy bay địch ra rả kêu gọi ông ra đầu hàng: “ Hỡi ông Trần Doãn Kỷ, chúng tôi biết ông là một tướng tài của xe tăng quân đội Bắc Việt, ông hãy ra đầu thú trình diện với quân lực Việt Nam cộng hòa, về với chính nghĩa quốc gia, ông sẽ được đối xử nhân đạo…”. Hoặc: “ Hỡi tướng Kỷ hãy về với chính nghĩa Quốc gia, hãy về với Việt Nam cộng hòa, ông sẽ có cuộc sống tương lai tốt đẹp…”.

Tôi hỏi, khi nghe địch kêu gọi như vậy thì ông thấy thế nào, có hoang mang không?. Ông cười cho đó là chuyện “nhảm nhí” vì thực tế, mãi về sau này, khi thống nhất đất nước, ông mới thực sự được nhà nước phong trung tá rồi thiếu tướng.

Lối đánh “nở hoa trong lòng địch”

Trong chiến dịch Buôn Mê Thuột, ông đã đề ra cách đánh táo bạo nhất khi lần đầu tiên trong lịch sử, bộ đội tăng thiết giáp sử dụng cả trung đoàn xe tăng và dùng xe tăng thọc sâu đánh vào giữa trung tâm sào huyệt của giặc. Chính ông đã trực tiếp chọn đại đội 9 do đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng thực hiện nhiệm vụ này, thọc sâu vào lữ đoàn 23 ngụy ở Buôn Mê Thuột. Sau này nhiều nhà quân sự gọi cách đánh đó là lối đánh “nở hoa trong lòng địch”. Tiếp đó, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đề nghị dùng một đại đội xe tăng thọc sâu đánh chiếm và giữ nguyên vẹn cầu Bông- cũng do đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy.

Bộ từ điển kỷ vật ngày 30/4 cùng chiếc kính đọc bản đồ máy bay của Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ
Sau này trong chiến tranh biên giới Tây nam, có lần tại Sở chỉ huy tiền phương của Sư bộ 320 bị giặc bao vây, do quá bất ngờ, ông đã nhảy lên xe bọc thép dũng mãnh dùng 12 ly 7 chiến đấu với kẻ thù. Với những làn đạn chính xác, ông đã tiêu diệt nhiều tên địch, bẻ gãy các hướng bao vây của giặc, giải vây an toàn cho sư bộ 320.

Cứ mỗi lần đơn vị chuẩn bị chiến đấu, ông trực tiếp tới từng xe động viên, kiểm tra chu đáo, sâu sát tất cả mọi mặt như đạn dược, xăng dầu, kỹ thuật xe, tăng võng, chăn màn và tư tưởng bộ đội. Và sau mỗi trận đánh, ông đều tới hỏi han anh em xem có ai bị thương, hễ thấy đồng đội hy sinh ông lại rơi nước mắt và trực tiếp đi chôn cất đồng đội, hoặc bẻ một cánh hoa rừng đặt lên mộ chiến sỹ mình.Với nhiều chiến công lớn nhưng khi Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 273 họp đề nghị xét phong tặng danh hiệu anh hùng cho Lữ đoàn trưởng, ông từ chối: “Thành tích của Lữ đoàn là do anh em trực tiếp viết lên. Hãy xét cho anh em trước đã, còn tôi mới chỉ làm tròn nhiệm vụ chỉ huy”.

Kí ức ngày 30/4

Trong ký ức của ông, những hướng tiến công của quân đoàn 3 còn vẹn nguyên. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đặt chân vào cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Từ Buôn Mê Thuột vào tới Sài Gòn, tất cả các căn cứ cỡ Tiểu đoàn đều hốt hoảng tháo chạy, không có một sự chống cự nào. Quân đoàn 3 Tây Nguyên vào Sài Gòn bằng 2 hướng, cầu Sáng và cầu Bông. Lúc đó cầu Sáng đã bị địch phá hủy, nếu không bảo vệ được cầu Bông, quân ta sẽ không thể tiến vào Sài Gòn.

Thiếu tướng và bộ từ điển ngày 30/4
Và ấn tượng của ông trong buổi sáng 30/4 đau đớn và xúc động hơn cả là tại Lăng Cha Cả có 5 xe bị bắn cháy. Đây là chốt cuối cùng để ta tiến vào Bộ Tổng tham mưu địch, bọn địch ngoan cố chống cự quyết liệt. Sau đó, tiểu đoàn 2 quay lại vượt theo đường Trương Vĩnh Kí thọc vào cổng Bộ tham mưu, chiếm được trại Hoàng Hoa Thám, vào nhà chỉ huy của tướng Cao Văn Viên, Bộ trưởng Bộ quốc phòng ngụy quyền Sài Gòn.

Kể tới đây, ông lấy cho tôi xem một số kỉ vật chiến tranh. Ông nói, lúc đó ông đi vào nhà 8 mái - câu lạc bộ của không quân Mỹ - trong ngổn ngang đồ đạc lính Mỹ tháo chạy bỏ lại, mỗi người chỉ lấy một chai rượu làm kỉ niệm. Vì mê sách và ham học ngoại ngữ, nên ngay khi nhìn thấy có những cuốn từ điển, ông đã lấy 4 cuốn: Việt- Anh, Hán- Việt, Pháp- Việt, Anh- Việt của tác giả Nguyễn Văn Khôi.

Gắn trọn đời với ngưòi vợ lấy từ thuở… 13

Sau khi hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử của mình, ông về hưu năm 1994 với quân hàm Thiếu tướng. Ngôi nhà ông ở nằm trong một ngõ nhỏ trên phố Đê La Thành (Hà Nội). Ông đón tôi ở đầu ngõ với dáng vẻ nhanh nhẹn và rắn rỏi của vị tướng từng bôn ba trận mạc, nói với tôi những câu chuyện giản dị về cuộc sống, công việc, gia đình như tất cả những người bình thường khác.

Khi tôi hỏi về người phụ nữ phía sau vị tướng, ông cười, đó là cả một câu chuyện dài. Hai ông bà được cha mẹ “sắp đặt” năm 1942, khi ông mới 13 và bà 15 tuổi. Ông nói, ngày ấy lấy vợ, ông vẫn là cậu bé ham chơi rồi sau đó mải tham gia công việc đoàn thể, đi kháng chiến, đi học ở Trung Quốc. Tới năm 1959, ông mới có con trai đầu lòng rồi sau đó chiến tranh liên miên, ông đi biền biệt, 4 người con của ông đều một tay bà nuôi dưỡng. Mãi tới năm 1980, ông về Hà Nội, gia đình mới thực sự đoàn tụ khi hai người mái tóc đã pha sương.

Bây giờ, dù tuổi đã cao nhưng ông bà vẫn tự mình làm những việc trong nhà như dọn dẹp, cơm nước; thậm chí, ông đi chợ cho bà nấu cơm mà không cần tới con cháu và người giúp việc. Hàng ngày, ông vẫn đọc báo và xem những kênh thời sự, quân sự bằng tiếng Anh.

Một người thầy của tôi thường bảo, trong số những người ta gặp bên đường, có thể đó là một vĩ nhân. Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ là một người như thế. Với vị tướng tài của quân đội tăng thiết giáp, những năm tháng chiến tranh ác liệt, hào hùng và bi tráng, mãi mãi là một kí ức không thể xóa nhòa trong ông…

Uyên Na

Đọc thêm