Sửa Luật theo hướng tăng chính sách cho người lao động
Phát biểu tại phiên họp thảo luận về các báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, công tác dân nguyện của Quốc hội (QH) hôm 15/5, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (QH) Nguyễn Thúy Anh đề cập đến tình trạng số người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần liên tục tăng, chỉ trong tháng 4/2024 đã có 121.873 người rút, tăng gần 39% so với trung bình của cả quý I/2024.
Vấn đề này đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của BHXH Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH cho người lao động (NLĐ), nhất là trong bối cảnh dự thảo sửa đổi Luật BHXH có những quy định theo hướng chặt chẽ hơn để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần.
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi thừa nhận việc NLĐ rút BHXH một lần vẫn là vấn đề rất day dứt. Theo ông Nguyễn Văn Hồi, số người tham gia BHXH tiếp tục có xu hướng tăng so với năm trước nhưng với tốc độ chậm lại trong khi số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng ở những tháng đầu năm 2024. Điều này cho thấy rút BHXH một lần vẫn là lựa chọn của NLĐ sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, mất việc làm.
Lý giải nguyên nhân, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phần lớn do NLĐ gặp khó khăn trước mắt và chưa nhận thức được các lợi ích dài hạn của BHXH, chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về lợi ích và các quyền lợi của NLĐ trong quá trình tham gia BHXH. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu sửa Luật BHXH theo hướng tăng các chính sách cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; tăng quyền lợi của người hưởng chính sách BHXH để giữ chân NLĐ ở lại trong hệ thống.
Siết chặt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Cần tăng cường kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. (Ảnh minh họa). |
Một vấn đề khác được bà Nguyễn Thúy Anh lưu ý là trong tháng 4 và đầu tháng 5/2024 đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động, ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Những vụ việc này cho thấy công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động của một số doanh nghiệp còn hạn chế, bất cập; đồng thời cũng cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm cần tiếp tục được tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là thực phẩm bán trên đường phố, trước cổng trường học để bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ em, NLĐ.
Báo cáo công tác dân nguyện của QH tháng 4/2024 cũng cho thấy, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động ở một số địa phương. Về vấn đề này, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Bộ Y tế tăng cường công tác chỉ đạo về phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, QH khóa XV của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nên tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm nhiều như việc làm, thu nhập, đời sống (vấn đề an toàn lao động, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn diễn ra, vấn đề an toàn thực phẩm khi mùa hè đến...).
Về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, QH Khóa XV, ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri và trách nhiệm của các Bộ, ngành để rõ nguyên nhân, đề ra các biện pháp, giải pháp để sớm hoàn thành việc xử lý kiến nghị tồn đọng.