Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Tư, người phát ngôn của công ty, Sergey Kupriyanov, nói rằng “các khoản thanh toán hiện có từ Moldova cho khí đốt vẫn chưa được chuyển đến cho Gazprom. Khoảng thời gian 48 giờ sau thông báo, nguồn cung cấp sẽ bị chấm dứt do không thanh toán các khoản nợ hết hạn vào ngày hôm nay".
Tuy nhiên, vài giờ sau tuyên bố, người phát ngôn của Công ty cho biết, Gazprom đã gia hạn đến thứ Sáu (26/11) cho Moldova thực hiện nghĩa vụ trả nợ, chứ không cắt nguồn cung khí đốt ngay. Người phát ngôn của Gazprom cũng cho biết, Công ty đã nhận được yêu cầu từ Moldova về việc không tạm ngừng cung cấp khi đốt, mặc dù thời hạn thanh toán 74 triệu đô la cho mức tiêu thụ hiện tại đã hết hạn vào sáng thứ Tư.
Theo ông, việc gia hạn đã được đồng ý “như một ngoại lệ, thể hiện thiện chí và sự hiểu biết về hoàn cảnh khó khăn mà các công dân của Cộng hòa Moldova phải đối mặt”.
Gazprom đã gia hạn đến thứ Sáu (26/11) cho Moldova thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Ảnh: Getty Images |
Đầu tuần này, Gazprom đã thông báo với Moldova rằng họ sẽ phải giải quyết khoản nợ khoảng 74 triệu đô la cho việc sử dụng hiện tại hoặc đối mặt với việc cắt việc cung cấp khí đốt. Tháng trước, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhiên liệu ngày càng trầm trọng, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã đạt được thỏa thuận với tập đoàn năng lượng khổng lồ có trụ sở tại Moscow để đảm bảo các lô hàng khí đốt trong 5 năm nữa. Thỏa thuận mới này đã được ký kết sau thỏa thuận về giá cả và việc giải quyết các hóa đơn chưa thanh toán trước đó.
Ông Kupriyanov trước đây cho biết Gazprom đã tìm cách thiết lập “giá khí đốt thị trường” cho Moldova nhưng cuối cùng đồng ý cắt giảm chi phí do “tình hình kinh tế và tài chính khó khăn” của đất nước, cũng như áp lực từ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, hợp đồng mới được ký với điều khoản Chișinău thanh toán đúng hạn cho các khoản nợ hiện tại và thảo luận về khoản nợ 709 triệu đô la nữa cho những lần giao hàng trước đây.
Tình hình căng thẳng làm dấy lên những cáo buộc rằng Moscow đang tìm cách gây áp lực lên Moldova để xé bỏ thỏa thuận năng lượng với EU. Tuy nhiên, Gazprom khẳng định rằng tình hình không liên quan gì đến chính trị và công ty chỉ đơn giản là không muốn hoạt động thua lỗ.