GDP 9 tháng cao nhất trong 8 năm: Nền kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng

(PLO) - 9 tháng năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Với mức tăng trưởng này, theo Tổng cục Thống kê (TCTK), nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng.
GDP 9 tháng cao nhất trong 8 năm: Nền kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng

Thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2018 của TCTK  ngày 28/9 cho biết,  GDP quý III ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức 7,45% quý I năm nay nhưng cao hơn mức 6,73% của quý II.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61% và khu vực dịch vụ tăng 6,87%. Tăng trưởng quý III/2018 thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý III/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý III các năm 2011-2016.

Xét về góc độ sử dụng GDP quý III năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 8,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,13%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,76%.

Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. “Kết quả tăng trưởng khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018…”- ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK nhận định.

Theo đánh giá của TCTK, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,85%, đóng góp 0,46%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,89%, đóng góp 0,27%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,55%, đóng góp 0,25%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,04%, đóng góp 0,24%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,93% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,49%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là: 14,67%; 32,50%; 42,65%; 10,18%).

Xét về góc độ sử dụng GDP 9 tháng năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,71%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,52%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,22%.

Báo cáo của TCTK cũng cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. Tính chung quý III/2018, CPI tăng 0,72% so với quý trước và tăng 4,14% so với quý III/2017. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 9/2018 tăng 3,20% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trước diễn biến CPI  9 tháng năm 2018, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh đến sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát giá cả, và nhận định việc kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao có thể đạt được. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình quốc tế còn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông, khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Lâm cho rằng mặt bằng giá cả trong nước các tháng cuối năm có thể bị ảnh hưởng. 

“Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả, kịp thời đề xuất các giải pháp cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…”- ông Lâm nhấn mạnh. 

Đọc thêm