Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần 24, thành phố ghi nhận thêm 932 ca bệnh tay chân miệng, giảm 105 ca (10,1%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh giảm ở cả các trường hợp khám ngoại trú và các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.
14/22 quận huyện có số ca bệnh trong tuần giảm so với số ca trung bình 4 tuần trước (trừ các quận/huyện 1, 3, 4, 5, 12, Bình Chánh, Hóc Môn và Phú Nhuận). Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân), phường Thới An (quận 12), phường Long Trường (quận 9).
Trong tuần, toàn thành phố ghi nhận 5 ổ dịch tay chân miệng mới phát sinh tại 3 quận huyện (Bình Thạnh, Bình Tân, TP Thủ Đức - KV3), tăng so với tuần 23 (4 ổ dịch). Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 24 năm 2022 là 56 ổ dịch. Tất cả các ổ dịch đều được xử lý kịp thời.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận tổng cộng 6.767 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết trẻ mắc tay chân miệng đều dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn. Thông thường diễn biến bệnh tay chân miệng trong 5-7 ngày, nhưng nếu trẻ có biểu hiện nặng sớm thì ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2, trẻ đã có biểu hiện nặng.
Do đó, để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm cho trẻ, bác sĩ Lâm khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo phát ban lòng bàn tay, chân, mông, ngực, miệng, cần cho trẻ đi khám để phân loại. Với những trường hợp trẻ sốt nhưng không biểu hiện thần kinh, đáp ứng với thuốc hạ nhiệt thì hướng dẫn gia đình theo dõi tại nhà. Trẻ sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt thì nên theo dõi tại các cơ sở y tế, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, bệnh tay chân miệng lây qua tiêu hóa, tiếp xúc, giọt bắn và lây từ người sang người. Vì vậy điều kiện khí hậu, môi trường tập trung đông người, thói quen vệ sinh là yếu tố làm cho lây bệnh. Do đó, để phòng bệnh tay chân miệng, cha mẹ phải bảo đảm giữ khoảng cách, giữ thói quen vệ sinh tay, đồ chơi của trẻ phải giữ sạch để tránh tình trạng lây chéo.
"Gia đình cần cho trẻ ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm dễ tiêu, bảo đảm dinh dưỡng để tăng cường cho trẻ. Đồng thời, cần vệ sinh thân thể hàng ngày cho bé, khi tắm tránh gió lùa. Với những vết trong họng phải cho trẻ", bác sĩ Lâm nhấn mạnh.