Ghi nhận ở “thủ phủ cà phê” của Lâm Đồng: Nắng hạn đe dọa hàng trăm ha cây trồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Huyện Di Linh, “thủ phủ cà phê” của Lâm Đồng đang trải qua đợt khô hạn gay gắt khiến nhiều hồ đập, suối cạn nước; hơn 600ha cà phê có hiện tượng cháy, rụng lá; khoảng 55ha lúa nguy cơ bị thiệt hại hoàn toàn.
Hơn 600ha cà phê có hiện tượng cháy, rụng lá tại huyện Di Linh. (Ảnh: Mai Long)
Hơn 600ha cà phê có hiện tượng cháy, rụng lá tại huyện Di Linh. (Ảnh: Mai Long)

Mùa khô 2024, Di Linh là một trong những địa phương xảy ra hiện tượng khô hạn khắc nghiệt nhất Lâm Đồng. Theo UBND huyện, từ tháng 10/2023 - 4/2024, tổng lượng mưa trên địa bàn thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Mặc dù cuối tháng 3, đầu tháng 4 xuất hiện mưa tại một số nơi nhưng chỉ là những cơn mưa cục bộ, rải rác không đều, có khu vực không mưa hoặc mưa rất nhỏ.

Nắng hạn kéo dài cũng khiến mực nước trên các sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm. Các nhánh suối hầu hết đã khô cạn; mực nước ngầm tại các giếng khơi, giếng khoan xuống thấp. Toàn huyện có 53 công trình hồ, đập dâng, nhưng do nắng nóng kéo dài và nhu cầu tưới nước cho cây trồng tăng cao nên mực nước đã xuống rất thấp, nhiều công trình đã cạn khô hoàn toàn như hồ Liên Hoàn 1, 2, 3 (xã Gia Hiệp); hồ Thanh Bạch (xã Đinh Lạc); hồ Hà Giang, Ka Sáh, Nao Sẻh (xã Gia Bắc); hồ Nam Ninh (xã Hòa Ninh)… Trên 50% số công trình chỉ còn dưới 30% lượng nước.

Khô hạn đang đe doạ nhiều diện tích cây trồng chủ lực của huyện, tập trung tại các xã Tam Bố, Gia Hiệp, Đinh Lạc, Gia Bắc, Sơn Điền... Chỉ từ 15 - 19/4/2024, một số xã có tình trạng cây cà phê bị héo, vàng; gần 10.000ha cây trồng bị thiếu nước, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng, năng suất, chất lượng cây trồng. Trong đó khoảng 660ha cà phê có hiện tượng cháy, rụng lá. UBND tỉnh nhận định, nếu tình hình khô hạn kéo dài, khoảng 55ha lúa tại vùng tưới của hồ Long Kul, xã Gung Ré (huyện Di Linh) nguy cơ thiệt hại hoàn toàn, diện tích cà phê giảm năng suất. Hiện tượng thiếu nước sinh hoạt cục bộ cũng đã xảy ra tại huyện. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, khô hạn, mực nước ngầm và nước mặt sẽ sụt giảm, dẫn đến thiếu nguồn cung cấp nước sinh hoạt từ hệ thống giếng đào, giếng khoan, hệ thống nước tự chảy của một số hộ dân.

Để ứng phó, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp như phát huy tối đa hiệu quả các hồ chứa nước; khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước; chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng ít dùng nước… Huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí đầu tư xây mới, sửa chữa, nạo vét một số công trình thủy lợi cấp bách phục vụ chống hạn.

Đọc thêm