Giá bán tăng, vải thiều Thanh Hà thu về hơn ngàn tỷ trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2022, toàn huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) có trên 3.273 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 44.000 tấn, tổng giá trị tiêu thụ vải thiều ước đạt trên 1.360 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021.
Tổng giá trị tiêu thụ vải thiều Thanh Hà ước đạt trên 1.360 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021.
Tổng giá trị tiêu thụ vải thiều Thanh Hà ước đạt trên 1.360 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Hải Dương, năm 2022, toàn huyện Thanh Hà có trên 3.273 ha vải thiều (giảm 55 ha so với năm 2021). Trong đó: Trà vải sớm khoảng 1.800 ha; trà vải chính vụ khoảng 1.400 ha.

Trong đó, nhờ thời tiết thuận lợi, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, cây vải của địa phương có tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, đạt trên 85%. Sản lượng vải năm 2022 ước đạt 44.000 tấn (tăng 3.000 tấn so với năm 2021). Trong đó: Trà vải sớm đạt 31.000 tấn, trà vải chính vụ đạt 13.000 tấn. Chất lượng quả vải thiều tốt hơn, ít bị sâu bệnh; hao hụt sau thu hoạch chiếm tỷ lệ thấp.

Mặc dù thời điểm thu hoạch muộn hơn năm 2021, nhưng kéo dài nên người trồng vải ít bị áp lực về thời vụ. Giá bán vải quả ổn định và tăng so với năm 2021 (vải sớm bình quân khoảng 35.000đ/kg; vải chính vụ khoảng 20.000 đồng/kg). Tổng giá trị tiêu thụ vải thiều Thanh Hà ước đạt trên 1.360 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021.

Ở trong nước, sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ chủ yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ đầu mối nông sản, các sàn thương mại điện tử, các hội chợ khu vực và một số thành phố lớn... với sản lượng tiêu thụ khoảng 19.800 tấn (chiếm khoảng 45% sản lượng). Bên cạnh đó, vải thiều Thanh Hà còn được xuất khẩu ra thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore, các nước EU...

Hiện nay, toàn huyện Thanh Hà có 85 vùng sản xuất vải tập trung, với tổng diện tích 969 ha với quy mô diện tích 05 ha/vùng trở lên. Trong đó, 39 vùng được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 450 ha, trong số đó, có 101 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

51 vùng sản xuất vải tại Thanh Hà đã được cấp 185 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước. Trong đó, 45 mã xuất khẩu Trung Quốc, diện tích 535,2 ha; 53 mã xuất khẩu Úc, diện tích 569,21 ha; 38 mã xuất khẩu Nhật Bản, diện tích 473 ha; 40 mã xuất khẩu Hoa Kỳ, diện tích 569,21 ha; 09 mã xuất khẩu Thái Lan, diện tích 88,05 ha. Trên địa bàn huyện có 13 cơ sở được duy trì 18 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, gồm 13 mã đi Trung Quốc; 01 mã đi Hoa Kỳ; 01 mã đi Úc; 01 mã đi Thái Lan; 02 mã đi Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các dịch vụ gắn với sản xuất và tiêu thụ vải quả luôn sôi động; số lượng đàn ong, điểm nuôi ong lấy mật tăng so với năm 2021 (60/23 điểm nuôi ong lấy mật); số lượng khách du lịch về thăm quan vùng vải, trải nghiệm hái và thưởng thức vải tăng cao (trong mùa vải đã đón hơn 30.000 khách về thăm các vùng vải).

Để phát triển và nâng cao giá trị sản xuất vải thiều, huyện Thanh Hà đã chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mời gọi các doanh nghiệp tích cực vào đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực của huyện; chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác đẹp, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho khách hàng. Tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm quả vải.

Đọc thêm