Giá đắt cho người trẻ ngông cuồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong phiên xử nhóm đối tượng “lừa đảo” tại Cty Địa ốc Alibaba, có một bị cáo thu hút sự chú ý của dư luận là Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, cô gái 27 tuổi, “nhân viên pháp lý” của Alibaba. Trinh từng cầm đầu nhóm đối tượng nhân viên Alibaba ngông cuồng chống đối cơ quan chức năng Bà Rịa – Vũng Tàu, gây ra vụ án xôn xao dư luận hồi giữa năm 2019.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh tại phiên xét xử. Ảnh: Duy Hiệu/Zing
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh tại phiên xét xử. Ảnh: Duy Hiệu/Zing

Khi đó, một dự án “ma” của Alibaba bị chính quyền địa phương cưỡng chế. Trinh cầm đầu nhóm người Alibaba đứng trước cổng UBND thị xã Phú Mỹ cầm biểu ngữ: “Không thông báo cho nhân dân, lén lút cưỡng chế”, la hét, cự cãi, đòi xem hồ sơ, giấy tờ.

Rồi Trinh dẫn đầu cả nhóm đến khu đất bị cưỡng chế, kích động đám đông, lớn tiếng cản trở, hung hãn chỉ đạo nhóm đối tượng dùng gạch đá đập phá phương tiện của đoàn cưỡng chế. Khi sự việc trở nên hỗn loạn, công an cho lực lượng đến hiện trường hỗ trợ đoàn cưỡng chế, Trinh vẫn hô hào các nhân viên: "Đập phá xe cho chị".

Khi ra tòa tại TP HCM trong vụ án lừa đảo lần này, Trinh đang mang thân phận phạm nhân thụ án 54 tháng tù. Trong vụ án đang xử, Trinh bị đề nghị mức án 16 - 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng từng ngông cuồng đến mức mù quáng, nay lại rơi nước mắt “kêu oan”. Theo biện bạch của Trinh, trong thời gian làm việc tại Cty Alibaba, “có tuổi trẻ cộng với sự nhiệt huyết nên luôn cố gắng hoàn thành vai trò của mình đối với công việc được giao. Bị cáo không biết rõ được hậu quả cũng như sự việc mà bị cáo đã làm, đã gây ra. Bị cáo rất đau lòng. Nếu bị cáo nhận thức được những hành vi đó là sai phạm, là trái pháp luật thì bị cáo đã không làm”, đối tượng là cử nhân luật, “nhân viên pháp lý” của Alibaba bất ngờ cho rằng mình “không biết luật”.

Nữ phạm nhân này khóc nức nở khi cho rằng mình “có bằng cử nhân luật, việc phải đứng trước tòa, trước vòng lao lý phải đánh đổi danh dự, tuổi trẻ, sự nghiệp và nhất là danh dự của dòng họ, người thân. Ba bị cáo nói một câu mà bị cáo thấy mình bất hiếu, đó là “Cho con đi học luật mà vướng vào lao lý””.

Một câu nói khác của đối tượng này cũng cần đáng lưu ý, là “bị cáo chỉ mong làm được những gì tốt đẹp khi bước vào Cty Alibaba. Hôm nay đứng trước tòa, bị cáo không biết phải nói gì hơn, thấy mất mát tương lai, mất mát quá nhiều”.

Nhận thức pháp luật của “nhân viên pháp lý” Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, cũng như của các đối tượng trong vụ án này, là rất đáng báo động. Theo khoản 4 Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản, các bất động sản được đưa vào kinh doanh gồm các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại. Trong vụ án này, các loại đất được Alibaba đưa vào kinh doanh, chào bán cho khách hàng là đất nông nghiệp, đất quốc phòng, đất lâm nghiệp… Theo Điều 55 Luật trên và Điều 168 Luật Đất đai thì dự án được chuyển nhượng sau khi có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Trên thực tế, dự án Alibaba chỉ mới thỏa thuận mua bán với chủ đất hoặc đặt cọc nhưng vẫn mở bán, thu tiền của khách hàng… Vậy mà nhiều đối tượng trong vụ án vẫn sống chết “kêu oan”, dù tự xưng “giám đốc”, là “hiểu biết pháp luật”.

Trong tâm lý học, có thuật ngữ “hiệu ứng bầy đàn”. Có lẽ làm việc trong một “tập đoàn” như Alibaba, tất cả cùng sai, cùng ngông cuồng, cùng bất chấp pháp luật, nên dần dần tạo ra những đối tượng quan niệm lệch lạc về đúng sai như trên. Xưa có chuyện cổ “Alibaba và 40 tên cướp”, nay có vụ án “Alibaba và 23 đối tượng lừa đảo, rửa tiền”. Để rồi khi ra tòa, nguy cơ phải trả giá chôn vùi cả tuổi thanh xuân sau cánh cổng nhà giam, mới rơi nước mắt nhận ra mình sai; thì đã quá muộn màng. Quả là vô cùng đáng tiếc!

Đọc thêm