Giá dầu giảm mạnh, xăng sinh học ế

(PLO) - Thay đổi thói quen người tiêu dùng đã khó, nay trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh thì tương lai của xăng sinh học xem ra lại càng mịt mù.
Ước tính, đến nay số lượng xăng E5 bán ra chỉ bằng 1/8 so với lượng xăng dầu truyền thống. Ảnh minh họa
Ước tính, đến nay số lượng xăng E5 bán ra chỉ bằng 1/8 so với lượng xăng dầu truyền thống. Ảnh minh họa
Theo khảo sát của PLVN, đến nay mới chỉ có số ít người tiêu dùng chuyển sang dùng xăng E5 dù cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực kích cầu.
Kích cầu tiêu dùng xăng E5
Sau một thời gian bán thử nghiệm cho người tiêu dùng (NTD) tại 7 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, xăng E5 sẽ chính thức được bán rộng rãi trên toàn quốc từ 1/12/2015. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, đây là chủ trương lớn nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng quốc gia, giải quyết các vấn đề về môi trường và phát thải carbon tại Việt Nam. 
Được biết, từ thời điểm triển khai kinh doanh xăng sinh học 1/8/2010 đến nay, TCty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã đầu tư 9 trạm pha chế xăng E5 trải dài từ Bắc chí Nam. Bên cạnh đó, từ tháng 6/2014, Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã sẵn sàng cung cấp xăng E5 cho tất cả các đầu mối bằng đường bộ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và các đơn vị thành viên đã cùng các đối tác khác hoàn thành xây dựng 2 nhà máy sản xuất bio-ethanol với công suất 200.000m3/năm đủ để pha chế 4 triệu mét khối xăng E5/năm. 
Ông Nguyễn Sinh Khang - Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam khẳng định, nguồn cung E10 của PetroVietnam đối với lộ trình phối trộn xăng sinh học với nhiên liệu truyền thống là dư thừa và có thể cung cấp cho các doanh nghiệp khác hoặc xuất khẩu.   
Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên cho thấy, đa số người dân vẫn có tâm lý e ngại đối với loại xăng này do biết ít thông tin. Bên cạnh đó, giá xăng truyền thống A92 và xăng E5 ngang bằng nhau (17.880 đồng/lít) cũng không khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng loại sản phẩm này. Ước tính, đến nay lượng xăng E5 bán ra chỉ bằng 1/8 so với lượng xăng dầu truyền thống. 
Điều đó cho thấy, dù có cam kết của các nhà nghiên cứu là “không ảnh hưởng tới xe máy khi sử dụng nhiên liệu sinh học” nhưng với cách tiếp cận “hời hợt” của sản phẩm này đến người tiêu dùng khiến nhiều người dân vẫn chưa thật mặn mà. 
Vì vậy, Bộ Công Thương cho biết, trước mắt, trong khi chờ  thuế tiêu thụ đặc biệt của E5 từ 10% giảm còn 8% từ 1/1/2016 nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại xăng này, các DN bán xăng E5 sẽ trích Quỹ bình ổn giá 100 đồng/lít. Như vậy theo tính toán, chênh lệch giá giữa E5 và A92 là 300 đồng/lít. Đây là một giải pháp tốt để tăng tính cạnh tranh của xăng E5 trên thị trường.
Khó “đầu ra”, bó hẹp “đầu vào”
Cùng với khó khăn trong việc mở rộng thị trường thì việc tìm nguồn nguyên liệu ổn định cho loại nhiên liệu sinh học này  cũng là vấn đề đang được đặt ra. Để sản xuất nhiên liệu sinh học, nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy, chiếm tới 60% giá thành sản phẩm. Theo thống kê, cả nước hiện có 7 nhà máy sản xuất ethanol với tổng công suất 535 triệu lít/năm, xây dựng theo quy hoạch tại những vùng trồng sắn trọng điểm, đủ khả năng cung cấp ethanol để pha chế xăng E5, E10 trong năm 2014 và các năm tới. 
Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ xăng E5 còn hạn chế nên hiện nay phần lớn sản phẩm của các nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp. Vì vậy, các đơn vị đang phải sản xuất cầm chừng. Ngoài ra, giá thu mua nguyên liệu hiện nay còn cao, biến động theo thời vụ, nguồn vốn để đầu tư mua nguyên liệu lớn do một năm chỉ có một vụ sắn, lãi vay ngân hàng còn cao khiến “đầu vào” sản xuất xăng E5 cũng là bài toán khó cho nhà quản lý và kinh doanh.
Thông tin về việc thực hiện theo lộ trình sử dụng xăng sinh học của Chính phủ, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - cho biết, từ cuối năm 2013, Petrolimex đã ban hành tài liệu kiến thức xăng sinh học để phổ biến các thông tin, kiến thức cơ bản nhất về loại nhiên liệu này, cụ thể là 2 mặt hàng xăng E5 và xăng E10. Tiếp đó, Petrolimex đã thành lập Ban nghiên cứu triển khai áp dụng nhiên liệu sinh học, cử đoàn chuyên gia đi học hỏi kinh nghiệm phối trộn, kinh doanh xăng sinh học tại Thái Lan… để sẵn sàng thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ.
Song, để xăng E5, E10 nói riêng và các loại nhiên liệu sinh học nói chung có thể thay thế các loại xăng truyền thống, chiếm lĩnh thị trường thì cần phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó là thay đổi được thói quen tiêu dùng bằng công tác tuyên truyền hiệu quả và sớm có những giải pháp hỗ trợ tiêu dùng thiết thực.
Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/1/2015 về giải pháp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh xăng E5 nhằm tạo chênh lệch giá bán xăng E5 thấp hơn so với giá bán xăng khoáng để góp phần khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5. 

Đọc thêm