Giảm giá vận tải khi xăng dầu giảm

(PLO) - Trong cuộc đối thoại mới đây với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cùng các cơ quan chức năng về giá cược vận tải, các doanh nghiệp cho biết giá cước đã giảm sau khi giá xăng liên tục giảm…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Taxi  giảm giá từ 500 đến 1.000 đồng
Theo bà Vương Thị Thu Hằng - Trưởng ban Giá- Sở Tài chính TP.Hà Nội:  “Từ tháng 9 đến nay, đã có nhiều hãng taxi lớn trên địa bàn đăng ký giảm giá ở mức phổ biến từ 500-1.000 đồng/km”. Ở các tuyến vận tải cố định, mới có Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội và Cty Bảo Châu kê khai giảm giá mức từ 6-10%. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn cũng cho hay, từ tháng 10 tới nay Thanh Hóa đã có 4/11 doanh nghiệp (DN) taxi đăng ký giảm giá; 6/6 DN xe buýt kê khai giảm giá… 
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam - cho biết:  Có thông tin DN  vận tải “đứng yên” trong khi giá xăng giảm 9 lần liên tiếp là chưa chính xác. Hiện một số DN vận tải đã tăng giá theo giá xăng trước đó thì đã, đang và chuẩn bị giảm giá. Còn nhiều DN hiện không có kế hoạch giảm giá vì họ không hề tăng giá trong ba năm qua. Như các tuyến xe khách Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Thái Bình... và hầu hết các nhà xe vẫn “gồng” mình giữ nguyên mức giá cước cũ trong thời gian dài.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho biết thêm: “So với tháng 4/2012, giá xăng hiện cao hơn 90 đồng/lít, nhiều loại thuế phí đều tăng như phí trước bạ, phí bảo trì đường bộ, các chi phí khác đều tăng. Việc các DN taxi Hà Nội vẫn giữ mức giá bình quân 12.000 đồng/km của năm 2012 là một nỗ lực, thực hiện chủ trương bình ổn giá của Chính phủ”.  Còn ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch HĐQT Cty Thiên Phong (taxi Thành Công) thừa nhận: “Giá cước vận tải đang được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, nên DN nào có giá cao hơn mặt bằng chung sẽ mất khách, mất thị phần và thiệt hại trước tiên”.
Theo bà Vương Thu Hằng, từ tháng 9/2014, Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế, Công an TP.Hà Nội kiểm tra 5 DN vận tải, phát hiện một số doanh nghiệp có chi phí đầu vào thực tế chưa sát với số liệu các khoản chi phí trong hồ sơ kê khai giá. Đoàn đã yêu cầu các doanh nghiệp này rà soát lại chi phí cấu thành giá cước, lập và kê khai lại giá cước mới.
Sẽ đôn đốc các doanh nghiệp giảm giá
Trước việc vẫn có những DN chây ì, không giảm giá, bà Lê Thị Lai - Trưởng phòng Quản lý giá (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính)  cho biết:  “Cục sẽ thành lập các đoàn kiểm tra giá cước vận tải tại các địa phương nhằm tăng cường đôn đốc, tạo sức ép để DN vận tải giảm giá cước khi chi phí đầu vào giảm... Dù giá cước vận tải được thực hiện theo cơ chế thị trường, không phải mặt hàng áp giá trần, nhưng theo quy định của Luật Giá, khi cần thiết cơ quan nhà nước vẫn cần kiểm tra, đôn đốc giảm giá để đảm bảo quyền lợi ba bên: DN, Nhà nước và người tiêu dùng”.
Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cũng cho rằng: “Khi xăng dầu giảm giá, những DN nào đã điều chỉnh giá cước khi xăng dầu tăng giá thì nên giảm giá; còn những DN nào vẫn “gồng” mình giữ nguyên giá suốt 2-3 năm qua thì hoàn toàn có thể “nằm im”. Từ tháng 9 đến nay, những DN vận tải đã từng tăng giá năm 2013, năm 2014 đang có động thái giảm giá 5-10%”.
Đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho hay, suốt từ năm 2011 đến nay, giá vé của VNA đều thấp hơn giá trần do Bộ Tài chính quy định. Hiện VNA có các dải vé từ 800 nghìn  - 2.870.000 đồng cho chặng Sài Gòn - Hà Nội, trong khi mức giá trần quy định là 3,4 triệu đồng. “Xu hướng giá vé hàng không thế giới là giảm, VNA không thể đi ngược lại”. 
Còn theo ông Bùi Việt Hoàng - Phó Tổng giám đốc TCty Vận tải thủy - lần điều chỉnh giá gần nhất của DN là tháng 3/2011, lúc đó giá xăng là 21.100 đồng/lít, nay giá xăng 21.390 đồng/lít. Dù giá xăng có tăng cộng thêm hàng loạt chi phí nâng lên thời gian qua nhưng DN vẫn giữ nguyên giá cước. “Chính vì DN chia sẻ với khách hàng suốt thời gian qua, nên vừa rồi, khi giá xăng giảm liên tiếp, không khách hàng nào yêu cầu DN giảm giá cước”.
Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam đề nghị, khi giá xăng dầu giảm liên tiếp, Bộ Tài chính có thể thanh, kiểm tra các DN vận tải, tính toán xem xăng dầu chiếm bao nhiêu phần trăm, tiền lương công nhân, chi phí khác...  Từ đó, nếu thấy đầu vào giảm mà đầu ra vẫn cao thì đoàn kiểm tra có thể căn cứ vào Luật Giá, đề nghị Sở Tài chính, Sở GTVT nơi DN kê khai giá chỉ đạo, yêu cầu DN điều chỉnh lại giá cước…
“Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm 2.820 đồng/lít, giá dầu giảm 3.400 đồng/lít, tương đương với tỷ lệ giảm 11,6% đối với xăng và 15% đối với dầu. Như vậy, mức giảm giá nhiên liệu ảnh hưởng đến giá cước tương đương 4-5%. Còn so với thời điểm tháng 7/2014, giá xăng giảm 4.250 đồng/lít (giảm 15,8%), dầu giảm 3.440 đồng/lít (giảm 16,8%), giá cước có thể giảm 5-6%. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào thời điểm xăng dầu tăng giá, tỷ lệ tăng và đối chiếu với giá cước doanh nghiệp đăng ký lần gần nhất để rà soát xem doanh nghiệp đã kê khai, tính toán giá cước phù hợp chưa” - bà Vương Thị Thu Hằng nói.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm