Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h30 ngày 27/11 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 75,62 USD/thùng, tăng 0,08 USD/thùng tương đương tăng 0,11%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 80,69 USD/thùng, tăng 0,11 USD/thùng tương đương tăng 0,14%.
Tuần qua, giá dầu thế giới đã ghi nhận thêm một tuần giảm giá. Như vậy, giá dầu thế giới đã giảm 5 tuần liên tiếp.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần qua, giá dầu tăng 1 phiên, giảm 3 phiên và 1 phiên diễn biến trái chiều.
Cụ thể, ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đi lên nhờ nhận định OPEC+ sẽ nhất trí duy trì việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới, sau khi giá dầu thô giảm trong tuần trước đó xuống mức thấp nhất trong 4 tháng. Ở phiên này, giá dầu tăng hơn 2%.
Tới phiên giao dịch thứ 2 của tuần, giá dầu thế giới ở thế trái chiều với giá dầu Brent tăng nhẹ còn giá dầu WTI giảm nhẹ. Giá dầu thế giới ít biến động trong phiên này do các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp chính sách của OPEC+.
Tại phiên giao dịch thứ ba của tuần, giá dầu biến động mạnh. Ở đầu phiên, giá dầu giảm hơn 5% sau khi thị trường tiếp nhận thông tin OPEC+ lùi thời gian nhóm họp dự kiến vào ngày 26/11 sang ngày cuối cùng của tháng 11. Cuộc họp bị hoãn vào thời điểm các nước thành viên của OPEC+ là Angola và Nigeria dự định tăng sản lượng. Điều này làm giảm bớt lo ngại về khả năng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng trong năm tới.
Theo các nhà phân tích, sự thay đổi lịch bất ngờ của OPEC+ là do các nhà sản xuất dầu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc tăng hay cắt giảm sản lượng.
Nhưng đến kết phiên, giá dầu chỉ giảm hơn 1%. Nhân tố chính đẩy giá dầu trượt dốc ở phiên giao dịch này là OPEC+ lùi lịch họp, tồn kho dầu của Mỹ tăng 8,7 triệu thùng trong tuần trước và sự phục hồi của đồng USD.
Ở hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm thêm khoảng 3%. Giá dầu kéo dài đà giảm do những nhận định rằng các nhà sản xuất dầu lớn của OPEC+ sẽ không cắt giảm sản lượng sâu hơn vào năm tới.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được niêm yết ở mức 80,58 USD/thùng. Còn giá dầu WTI kết tuần qua ở mức 75,54 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm 0,1% còn giá dầu WTI giảm 0,7%. Mặc dù ghi nhận mức giảm khá khiêm tốn nhưng giá dầu tuần này đã kéo dài đà giảm sang tuần thứ 5 liên tiếp.
Tuần qua, giá dầu chịu ảnh hưởng từ những thông tin về cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (còn gọi là nhóm OPEC+).
Theo giới phân tích, trong tuần này, quyết định của OPEC+ về sản lượng, báo cáo tồn kho dầu của Mỹ và các thông tin kinh tế, chính trị khác sẽ tác động lên giá dầu.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu hôm nay như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.690 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 23.024 đồng/lít; Dầu diesel không quá 20.283 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 20.944 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.638 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh vào chiều 23/11 với giá xăng giảm nhiều nhất là 584 đồng/lít, giá dầu giảm cao nhất là 605 đồng/lít. Đáng chú ý là tại kỳ điều hành hành, giá dầu mazut tăng nhẹ 15 đồng/kg.
Trong lần điều hành giá này, liên bộ tiếp tục không trích lập và không chi quỹ bình ổn giá với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 33 đợt điều chỉnh, trong đó 19 lần tăng, 11 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.