Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 6h30 ngày 7/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 83,01 USD/thùng, tăng 0,19 USD/thùng tương đương tăng 0,23%; giá dầu thô Brent giao ở mức 86,48 USD/thùng, tăng 0,24 USD/thùng tương đương tăng 0,28%.
Tuần trước, giá dầu đã xác lập kỷ lục tăng 6 tuần liên tiếp. Cụ thể, trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng tới 3 phiên và giảm 2 phiên. Tâm lý lo ngại về nguồn cung là nhân tố chủ yếu chi phối diễn biến của giá dầu thế giới trong tuần vừa rồi.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu thế giới chạm mức cao nhất 3 tháng đồng thời ghi nhận mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 1/2022. Giá dầu tăng nhờ các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt và nhu cầu sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Cùng với đó, giá dầu được thúc đẩy bởi dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh trong tuần cuối cùng của tháng 7.
Sau đó, giá dầu đi xuống trong 2 phiên giao dịch tiếp đó do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng USD và khả năng tiếp tục tăng lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã kéo giá dầu trượt dốc.
Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu đã tăng hơn 3% do cam kết về cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và Nga đã hỗ trợ giá dầu. Saudi Arabia đã gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 9, đồng thời để ngỏ khả năng gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thêm một lần nữa. Trong khi đó, Nga cũng quyết định giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày vào tháng 9 tới.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu thô Brent tăng lên 86,24 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ WTI tiến lên 82,82 mức USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đều đạt mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 4.
Việc các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung cho đến tháng 9 làm tăng thêm lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Đây là nhân tố tiếp tục đẩy giá xăng dầu tăng.
Các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho biết: “Với việc cắt giảm sản lượng kéo dài, dự đoán thị trường sẽ thâm hụt hơn 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9, sau mức thâm hụt ước tính khoảng 2 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8".
Ngân hàng này dự đoán giá dầu Brent sẽ giao dịch trong khoảng từ 85-90 USD/thùng trong những tháng tới.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay: Xăng E5 RON 92 không quá 22.791 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 23.963 đồng/lít; Dầu diesel không quá 20.612 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 20.270 đồng/lít; Dầu mazut không quá 16.531 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng mạnh tại kỳ điều hành giá chiều 1/8 với mức tăng cao nhất là 1.171 đồng/lít. Ở lần điều chỉnh này, liên Bộ không chi Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut; chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 400 đồng/lít; đối với mặt hàng dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó có 11 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.