[links()] Lỗ là vì thời tiết, trả lương cao là vì sợ người tài bỏ đi,… - Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn biện minh cho hiệu quả sản xuất kinh doanh kém cỏi, trong khi người tiêu dùng, phải trả giá điện cao thì chẳng biết kêu ai.
|
Biếm họa. Internet |
Chuẩn bị tinh thần tăng giá điện
Trong năm 2011, giá điện đã được điều chỉnh tăng 2 lần, lần thứ nhất vào tháng 3 với mức điều chỉnh tăng 15,28% và lần thứ 2 vào tháng 12 với mức tăng 5%. Tuy nhiên, báo cáo của Tập đoàn Điện lực (EVN) vẫn khẳng định: Việc tăng hơn 20% giá điện trong năm 2011 vẫn chưa bù đắp được chi phí mua điện giá cao và huy động điện ở các nhà máy phát điện bằng dầu trong thời gian thiếu khí.
Còn nhớ, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, hồi cuối năm ngoái, ông Phạm Lê Thanh -Tổng giám đốc EVN cho biết, 1 kWh điện hiện nay EVN đang lỗ 300 đồng, cộng thêm số lỗ năm 2010 là 10.162 tỉ đồng và lỗ năm 2011 theo báo cáo của EVN là 3.500 tỉ đồng, thì việc huy động vốn sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Vì thế, trước khi bước sang năm mới 2012, người tiêu dùng đã được “lên dây cót tinh thần” cho một đợt tăng giá điện tiếp theo. Mà nhiều khả năng, “tin xấu” này sẽ xẩy ra ngay trong quý I vì theo Quyết định 24/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng. Nếu mức tăng trên 5% thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Sau đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Chia sẻ người tiêu dùng, tại buổi họp báo do Bộ Công thương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải an ủi: điện là mặt hàng xương sống của nền kinh tế - xã hội nên dù có điều chỉnh theo thị trường cũng phải theo lộ trình từng bước để không gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, giá than bán cho các hộ tiêu thụ đặc biệt như thép, ximăng và điện vẫn sẽ theo cơ chế giá đặc thù, phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Theo quyết định của Bộ Công thương về việc phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2012, tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2012 là 120,795 tỷ kWh, tăng 10,89% so với năm 2011, trong đó mùa khô là 58,157 tỷ kWh và mùa mưa là 62,638 tỷ kWh. Số lượng dự án nhà máy điện mới được đưa vào vận hành năm 2012 sẽ là 24 nhà máy, với tổng cổng công suất đặt là 3.077MW.
Lỗ vì thời tiết, lương bình quân 37 triệu đồng/tháng
Trong một diễn biến khác, hôm 10/2, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại EVN. Tại cuộc họp, Thứ trưởng bộ này, ông Phạm Minh Huân, thông báo, lương bình quân chung của người lao động EVN năm 2008 đạt 5,794 triệu đồng/người/tháng; năm 2009 đạt 7,064 triệu đồng/người/tháng; năm 2010 đạt 7,45 triệu đồng/người/tháng.
Nếu tính cả tiền thưởng, thì người lao động sản xuất, kinh doanh điện có thu nhập 2008 là 5,929 triệu đồng/người/tháng; năm 2009 đạt 7,308 triệu đồng/người/tháng; năm 2010 đạt 7,628 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, lương của viên chức quản lý ở công ty mẹ bình quân là 37 triệu đồng/người/tháng; lương của viên chức quản lý ở các công ty con bình quân là 21 triệu đồng/người/tháng.
Trả lời câu hỏi của báo giới, tại sao năm 2010 EVN lỗ tới 10.162 tỉ đồng mà lại trả lương cho người lao động cao hơn năm trước, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN lý giải: “Năm 2010 là năm đầu tiên bị lỗ do khách quan, thời tiết hạn hán, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không được cắt điện, nên EVN phải đổ dầu vào “đốt” để đảm bảo cung ứng điện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thủ tướng cho phép EVN năm 2010 áp dụng đơn giá tiền lương bằng 95% đơn giá năm 2009, vì nếu lương thấp thì người giỏi sẽ bỏ đi hết. Còn về sơ suất của chúng tôi trong việc tính phụ cấp, độc hại nhầm lẫn đối với một số cán bộ lao động, do cán bộ phụ trách việc lương thưởng của EVN “quá mỏng”chỉ có vỏn vẹn 5 người, trong khi cơ chế tiền lương luôn đổi mới. Bởi làm lương giờ không như ngày xưa, ông làm lương phải biết hiệu quả sản xuất, tài chính mới tính chính xác được”
Chia sẻ với báo giới, ông Huân cho rằng, sau kết luận thanh tra về tiền lương tại EVN lần này, Chính phủ tiến tới sẽ minh bạch hóa thông tin liên quan đến các tập đoàn kinh tế nói chung, để những người làm tốt, hiệu quả sẽ được trả lương xứng đáng, còn đâu đó người nào không làm hết trách nhiệm mà hưởng lương cao thì không thể chấp nhận được.
Mai Hoa