Giá điện sẽ ra sao khi vận hành theo thị trường cạnh tranh?

(PLVN) - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn thiện mang đến kỳ vọng cho nhiều người tiêu dùng về việc “giá điện có tăng, có giảm”. Đó là lý thuyết thị trường, còn thực tế việc giảm giá điện còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. 
Nếu thủy điện thuận lợi phát điện thì giá sẽ giảm hoặc ngược lại. Ảnh minh họa.
Nếu thủy điện thuận lợi phát điện thì giá sẽ giảm hoặc ngược lại. Ảnh minh họa.

Không còn độc quyền định giá điện

Như PLVN đã thông tin, trong mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh mà Bộ Công Thương đề cập, khách hàng sử dụng điện sẽ được lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện; Đồng thời thoả thuận, thống nhất với đơn vị bán lẻ điện về mức giá bán điện.

Việc này sẽ làm thay đổi về bản chất các giao dịch mua, bán điện hiện nay, chuyển đổi từ cơ chế nhà nước điều tiết giá điện, sang cơ chế giá điện xác định theo thị trường và theo thoả thuận song phương giữa bên bán điện và khách hàng. Như vậy, khi chính thức áp dụng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Nhà nước sẽ không còn can thiệp vào giá điện. 

“Nhưng giá điện sẽ không giảm”, GS Trần Đình Long – chuyên gia hàng đầu về năng lượng khẳng định, đồng thời đưa ra lập luận: “Có một số ý kiến nói rằng, khi chúng ta tiến hành thị trường điện cạnh tranh thì giá điện giảm. Nhưng tôi không nghĩ vậy vì quy luật giá điện tăng hay giảm hoàn toàn khác với câu chuyện giá điện cạnh tranh như thế nào”. Vị chuyên gia chỉ chắc chắn rằng, mức điện cạnh tranh nếu thực hiện tốt, thực hiện một cách minh bạch thì người sử dụng điện sẽ yên tâm với số tiền họ phải bỏ ra. 

Sở dĩ khách hàng yên tâm vì họ biết chắc có rất nhiều người, rất nhiều đơn vị điện lực tham gia vào quá trình này. Điều này đồng nghĩa với việc không phải một đơn vị hay một tổ chức độc quyền nào định ra giá điện ấy mà giá đã được thiết lập trên cơ sở đã có cạnh tranh công khai, bình đẳng.

Giá điện sẽ tăng, giảm theo giá nguyên liệu đầu vào, đầu ra. Ví dụ, nếu giá nhiên liệu (than, dầu, khí) tăng hoặc những năm thủy điện gặp khó khăn do thiếu nước vì điều kiện thời tiết thì lúc bấy giờ giá điện có thể tăng. Còn nếu thủy điện gặp điều kiện thời tiết, thủy văn thuận lợi; Hoặc giá than, giá dầu không tăng, thậm chí giảm thì trong tình huống như thế, giá điện có thể sẽ giảm. 

“Tôi cho rằng, nhiều khả năng khi thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh thì giá điện sẽ vẫn tăng. Vì có những yếu tố mình không khống chế được, như mưa gió không thuận lợi, giá nhiên liệu lên. Một trong những thành phần cơ bản nữa ảnh hưởng nhiều đến giá điện là tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ. Hiện nay, đầu tư và mua bán vật tư thiết bị cho ngành Điện dùng ngoại tệ khá nhiều, nếu tỷ giá biến đổi bất lợi cho đồng Việt Nam thì lúc bấy giờ giá điện sẽ tăng”, ông Long nói. 

Trao đổi với PLVN về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cũng cho rằng, khi chuyển sang thị trường bán lẻ cạnh tranh, mỗi công ty bán lẻ điện sẽ phải tự cân đối chi phí sản xuất kinh doanh điện năng và tìm kiếm các nguồn điện giá rẻ. Đồng thời cũng phải chú trọng việc cắt giảm chi phí để cạnh tranh lẫn nhau. Và giá điện thì “thuận theo thị trường”, mua cao bán cao, các doanh nghiệp có thể cạnh tranh về giá, còn phía người mua cũng được quyền lựa chọn.

Cần quy định ngưỡng giá

Theo GS Trần Đình Long, khi hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh chắc chắn sẽ theo nguyên tắc “mua bán trên thị trường”. Mỗi một công ty bán lẻ chào bán cho khách hàng với giá thấp thì người tiêu dùng sẽ đổ xô vào mua và mua hết lượng điện công ty có thể bán ra. Nếu như khả năng cung cấp của công ty bán lẻ giá rẻ đã hết thì khách hàng sẽ tiến đến công ty tiếp theo có giá cao hơn một chút theo quy luật của thị trường nội địa. Cho nên vẫn có thể có chênh lệch giá tùy theo việc người tiêu dùng mua được điện từ công ty nào.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là: liệu có thể có sự “đồng giá” đối với giá điện như giá xăng dầu hiện nay trên thị trường hay không? Về vấn đề này, ông Long cho rằng, tất cả các đơn vị tham gia phân phối đều cố gắng tận dụng trong thương mại và tối đa hóa lợi nhuận nên có thể sẽ có mức giá không khác nhau. 

Ngoài ra, theo ông Long, có thể sẽ phải quy định một ngưỡng nào đó để giá thị trường không được vượt qua ngưỡng đó. “Rất có thể có tình huống bất lợi, như thời tiết không thuận lợi hoặc có biến động nào đó về giá cả mà mình không dự đoán được. Nếu để giá vượt quá ngưỡng ấy thì sẽ gây xáo trộn lớn trong nền kinh tế nên thường các nước sẽ quy định một ngưỡng giá nào đó mà các công ty bán lẻ điện không được vượt qua, nhằm khống chế tình huống khẩn cấp. Đã có trường hợp thị trường sụp đổ vì giá điện bán lẻ thay đổi một cách quá đột ngột”, ông Long chia sẻ. 

Đọc thêm