Theo lời kể của ông S.M.S (31 tuổi, trú tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc), khoảng 12h ngày 11/5, 4 cháu nhỏ rủ nhau ra nương chơi, thấy có cây nấm màu trắng, hình tán ô mọc ở đất cạnh cây ngô, đã hái 3 cây nấm đem về cho ông nội nấu canh ăn lúc 14h cùng ngày.
Sau ăn khoảng 1 giờ, 4 cháu nhỏ có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều lần, kèm theo đau bụng, đau đầu, chóng mặt. Thấy vậy, gia đình đưa các cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc cấp cứu và được chuyển về tiếp tục điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang.
Ngoài ra, 4 người khác cũng trong gia đình cũng có ăn nấm nhưng ít hơn và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang để theo dõi, các chỉ số xét nghiệm trong giới hạn bình thường, tiên lượng tốt.
Mùa mưa là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại nấm, tăng nguy cơ cho người dân khi thu thập và sử dụng nấm mà không biết chúng có độc hay không. Do đó, để phòng tránh ngộ độc do nấm độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang khuyến cáo: Người dân lưu ý chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, kể cả nấm mầu trắng. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì rất khó nhận dạng nấm độc khi cây chưa bộc lộ hết. Đối với nấm tươi tự trồng ăn được thì cần chế biến ngay sau khi hái, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
Khi nghi ngờ ngộ độc do ăn nấm, cần nhanh chóng tìm mọi cách làm cho bệnh nhân nôn ra hết thức ăn như: móc họng, lấy lông gà rửa sạch ngoáy họng, cho uống thật nhiều nước đến khi nôn ra nước trong. Sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị. Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế gần nhất được theo dõi.
Đồng thời cần mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm và gửi đi xét nghiệm.