Gia đình trẻ cùng nhau 'Chạm để yêu thương'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2022 vừa qua, cả nước có hơn 500 nghìn vụ ly hôn được thụ lý. Trước thực trạng đó, những năm trở lại đây, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam đã triển khai hàng loạt hoạt động nhằm góp phần xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc.
Các khách mời tham gia Diễn đàn. (Ảnh: Lâm Đăng Hải)
Các khách mời tham gia Diễn đàn. (Ảnh: Lâm Đăng Hải)

70% số vụ ly hôn từ gia đình trẻ

Vừa qua, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức Diễn đàn Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc chủ đề “Chạm để yêu thương”. Đây là hoạt động nằm trong Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2023 thiết thực triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội LHTN Việt Nam; thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2023.

Các báo cáo tại Diễn đàn cho biết: Năm 2022, cả nước có gần 27 triệu hộ gia đình, trong đó số hộ tạm gọi là gia đình trẻ rơi vào khoảng hơn 16 triệu trường hợp, chiếm gần 60%.

Chính vì vậy, đặt ra sự cần thiết về trang bị kỹ năng xử lý khéo léo các tình huống bất đồng trong đời sống hằng ngày, giải quyết mâu thuẫn thường gặp, cách thức vun đắp yêu thương, thể hiện sự tôn trọng, phương pháp xóa mờ những hiểu lầm, tăng cường kết nối, lan tỏa giá trị tích cực... trong người trẻ, nhất là các đôi vợ chồng trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, mục tiêu của Diễn đàn nói riêng hay những chiến dịch truyền thông liên quan nói chung không phải là kéo giảm tỷ lệ ly hôn trong cộng đồng, mà cần tập trung vào việc xây dựng các giá trị cốt lõi về hạnh phúc. “Trước kia, đời người chỉ có 3 điều quan trọng: tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Thế nhưng, trong xã hội hiện nay, chúng ta có nhiều vấn đề cần quan tâm hơn như công việc, phát triển bản thân, chăm chút các mối quan hệ bên ngoài... Một phần vì đó mà nhiều bạn trẻ có được thành công sớm, nhưng lại ít quan tâm tới vấn đề hạnh phúc lứa đôi. Cộng thêm các yếu tố khác, điển hình là việc một số người trẻ sở hữu trình độ, kỹ năng, lại thêm “cái tôi” lớn... khiến sự gắn kết trong tình cảm đôi lứa có phần ngày càng lỏng lẻo”, ông Đinh Đoàn nói.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Tú, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam nhận định: “Gia đình nào cũng có những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhưng Ban Tổ chức Diễn đàn mong rằng, các bạn trẻ sẽ trân trọng tình yêu đôi lứa qua thông điệp “Chạm để yêu thương”, cũng như những trao đổi “đời” nhất của các diễn giả tại Diễn đàn nhằm đồng hành, sẻ chia, vượt qua mọi khó khăn trên hành trình xây dựng, gìn giữ mái ấm của mình”.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2022 đã có trên 500.000 vụ ly hôn được thụ lý. Trong số đó, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 xuất phát từ những mâu thuẫn do lối sống khác nhau, môi trường khác nhau, những xung đột và bất đồng quan điểm... Trước thực trạng ấy, Diễn đàn xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc chủ đề “Chạm để yêu thương” nhằm cung cấp kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình, đưa góc nhìn tích cực về đời sống hôn nhân tới các bạn trẻ.

Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Khuất Văn Quý cho hay: Hầu hết các gia đình cơ bản đều có sự chuyển biến, thay đổi. Tuy nhiên, gia đình trẻ lại có biểu hiện rõ nét hơn, nhất là về quan niệm hôn nhân và gia đình theo hướng đề cao tính tự do, tính cá nhân, chấp nhận các hiện tượng hôn nhân và gia đình mới cũng như các vấn đề bình đẳng giới. Hiện nay, bên cạnh những người có quan niệm tích cực về hạnh phúc hay hạnh phúc gia đình, thì một số bạn trẻ lại có cái nhìn phiến diện, lệch lạc. Cụ thể hơn, sự phát triển của xã hội đã khiến không ít người trẻ rơi vào nhịp sống của sự ăn chơi, hưởng thụ, coi những thú tiêu khiển là niềm hạnh phúc thực thụ mà quên rằng, niềm vui chỉ có thể tạo nên từ sự nỗ lực, cố gắng trong đời sống thực tế. Đồng thời một số bạn coi hạnh phúc là thứ mua được bằng tiền cùng quan điểm “mọi người phải vì mình”.

Cũng theo ông Quý, gia đình hạnh phúc là sự hài lòng của các thành viên trong gia đình về tổng hoà các yếu tố khách quan, chủ quan về đời sống vật chất, sức khoẻ, đời sống tinh thần, mối quan hệ trong gia đình… “Với người trẻ hạnh phúc và hạnh phúc gia đình chính là tình yêu thương chân chính giữa người với người. Hạnh phúc là được sống với những ước mơ, hoài bão lớn lao của tuổi trẻ căng tràn nhựa sống, là được sống hết mình, được cống hiến và đón nhận tình cảm chân thành…”, ông Quý nói.

Không thể như hai người độc thân chung nhà

Gia đình hot Tiktoker MC Đức Bảo – Phương Thảo tham gia Diễn đàn. (Ảnh Lâm Đăng Hải)

Gia đình hot Tiktoker MC Đức Bảo – Phương Thảo tham gia Diễn đàn. (Ảnh Lâm Đăng Hải)

Tại Diễn đàn, các bạn trẻ và các gia đình trẻ đã nghe sự tư vấn từ các chuyên gia, nhà quản lý, những gia đình trẻ tiêu biểu có tầm ảnh hưởng để từ đó có kỹ năng khéo léo xử lý các tình huống bất đồng trong đời sống hàng ngày, giải quyết những mâu thuẫn thường gặp của các cặp vợ chồng trẻ. Những kinh nghiệm thực tế ấy cùng với việc đề cao sự yêu thương, tôn trọng là nền tảng cốt lõi để xóa mờ những hiểu lầm, kết nối và vun đắp tình cảm, gắn kết vợ chồng trẻ. Lan tỏa giá trị tích cực để những gia đình trẻ tiếp tục gìn giữ hạnh phúc của mình.

Bà Phạm Thúy Dung - Giám đốc chi nhánh Miền Bắc PNJ cho biết: “Suốt hành trình 35 hình thành và phát triển, PNJ luôn theo đuổi một giấc mơ xây dựng nên thương hiệu làm đẹp cho con người và cuộc sống. Hạnh phúc gia đình đôi khi đến những khoảnh khắc đời thường nhất, tình yêu thương gia đình và sự sẻ chia của các thành viên. Chứng kiến nhiều câu chuyện khác nhau trong cuộc sống, PNJ tin rằng mọi vẻ đẹp đều xứng đáng tôn vinh, mọi khoảnh khắc đời thường đều đáng được trân trọng”.

Theo ông Đinh Đoàn, yêu nhau, trao nhau chiếc nhẫn cầu hôn, cùng nhau tự nguyện ký vào giấy chứng nhận kết hôn liệu đã đủ để gắn kết hạnh phúc bền chặt? Vợ chồng cần xây dựng “phụ lục” cho “hợp đồng hôn nhân” để vun đắp hạnh phúc lâu dài. Vừa qua, mạng xã hội xôn xao với con số thống kê tại một tỉnh miền Trung: có đến 1.600 cặp nộp đơn ly hôn trong 8 tháng đầu năm 2023, trong đó phổ biến là các cặp vợ chồng trẻ.

Chuyên gia nhìn nhận, đáng lẽ việc kết hôn là hai phải thành một, nhưng không ít cặp vợ chồng kết hôn lại như hai người độc thân thuê chung nhà. Thậm chí đến bữa ăn cũng không ăn chung. Vợ chồng đi cà phê nhưng mỗi người nghịch điện thoại mà không có “chạm”, không có tương tác, không có chia sẻ với nhau về công việc, tiền bạc, mối quan tâm chung… Đó là một trong những nguyên nhân khiến gia đình trẻ lỏng lẻo và rời ra.

Chuyên gia cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân xảy ra đổ vỡ của gia đình trẻ, nhất là ở vùng nông thôn, là do cuộc sống ly tán, vợ chồng xa nhau vì đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động… sống xa nhau nên đối phương không giữ được mình. Cùng nhận định khoảng cách địa lý, xa cách nhau trong thời gian dài là rào cản rất lớn trong duy trì mối quan hệ của gia đình trẻ, bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững chia sẻ, việc cần làm là hai vợ chồng phải đồng thuận, bàn bạc về những khó khăn sẽ nảy sinh khi sống xa nhau, từ đó cùng nhau đưa ra quyết định để khắc phục. Khi xa cách nhau, vợ chồng phải lường trước đổ vỡ, trao đổi với nhau về những kỹ năng để vượt qua cám dỗ.

Vợ chồng anh Đỗ Văn Phúc (Bình Phước) nhận giải thưởng Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022, chia sẻ ban ngày các cặp vợ chồng trẻ có rất ít thời gian bên nhau vì phải lo toan công việc. Do đó, cần tranh thủ những giây phút rảnh rỗi bên nhau hoặc vào bữa cơm gia đình để chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống, san sẻ chuyện chăm sóc con cái, thậm chí cởi bỏ những bất đồng trong cuộc sống hằng ngày.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đưa ra lời khuyên vợ chồng sống với nhau để xây dựng hạnh phúc bền lâu nên cần “lui cái tôi cá nhân, tăng nhiều cái chung”, tăng cường “chạm nhau”. Điều này tránh tình trạng không có thỏa thuận, cứ đụng đến việc gì cũng tranh luận, cãi nhau và nhiều lần cãi nhau thì chán không muốn nói nữa - ông Đoàn nói. Và khi đã không còn muốn nói với nhau nữa thì cuộc hôn nhân ấy đã tới hồi mong manh.

TS Đinh Đoàn chỉ ra ba cách thức để vợ chồng trẻ chung sống với nhau. Đó là cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ về tài chính và chia sẻ về cảm xúc. Ông đặc biệt lưu tâm đến chia sẻ cảm xúc, vợ chồng có cảm xúc gì phải nói ra để người kia hiểu, chứ không bắt đối phương “là cái máy dò cảm xúc của mình”. Theo chuyên gia Vân Anh, để vợ chồng giao tiếp được với nhau cách tốt nhất cần dựa trên ba nguyên tắc: thấu hiểu - chia sẻ - tôn trọng đối phương.

Còn MC Đức Bảo bày tỏ, khi chúng ta bước vào cuộc sống hôn nhân chúng ta cần những kỹ năng, bởi giờ đây là trách nhiệm có nhau khi tình yêu đủ lớn. Đó là sự đồng cảm, vợ chồng cần trò chuyện, chia sẻ mọi vấn đề của cuộc sống. Khi im lặng là người kia có người khác rồi. Với Bảo, vợ chồng cùng nghề nên có vợ mình có thêm cộng sự lớn quan trọng của mình trong cuộc sống và trong công việc. Do đó, khi bước vào hôn nhân, hai người sẽ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình và cùng có trách nhiệm làm cho nhau hạnh phúc...

Mỗi gia đình trẻ hạnh phúc tạo nên xã hội tốt đẹp

Ông Nguyễn Hữu Tú, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn cho biết: Được khởi xướng từ năm 2020, chương trình Tuyên dương gia đình trẻ hạnh phúc do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với PNJ tổ chức đã trở thành một chương trình thường niên có ý nghĩa nhân văn và sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Ông Nguyễn Hữu Tú mong muốn, thông qua chương trình và những gia đình được tuyên dương là đại diện lan tỏa giá trị của hạnh phúc gia đình trẻ cho hàng triệu gia đình trẻ trên khắp đất nước và hạnh phúc của những gia đình trẻ là sự mong muốn của cả xã hội. Bởi mỗi gia đình hạnh phúc sẽ kết nối tạo ra một xã hội tốt đẹp.

Đọc thêm