Gia đình - nơi nuôi dưỡng, lan tỏa giá trị nhân văn, đạo đức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua đại dịch, hậu quả để lại vô cùng to lớn. Từ trong đại dịch, những giá trị nhân văn, đạo đức tưởng như đã bị lãng quên lại tỏa sáng giúp vơi đi những lo lắng và cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị đó.
Gia đình anh Hoàng Ngọc Hóa và chị Nông Thị Ve ở Bắc Kạn được tôn vinh “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022”.
Gia đình anh Hoàng Ngọc Hóa và chị Nông Thị Ve ở Bắc Kạn được tôn vinh “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022”.

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Tháng 11/2022, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Lễ tuyên dương 21 “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022”. Tại Lễ tuyên dương, vợ chồng anh chị Hoàng Ngọc Hóa, Nông Thị Ve ở Bắc Kạn mang đến câu chuyện tình cảm đầy xúc động. Theo lời kể của chị Ve, ngày anh Hóa nhận nhiệm vụ công tác tại đảo Trường Sa, chị đang mang bầu đứa con đầu lòng. “Ngày anh lên đường, tôi động viên chồng gắng công tác và nhắn nhủ “mẹ con em ở nhà luôn nhớ đến anh” dù biết sẽ rất khó khăn và thương nhớ vô cùng bởi khi ấy tôi vừa mang bầu được 3 tháng, lại ốm nghén” - chị Ve nhớ lại.

Ở nhà, một mình chị cáng đáng việc nhà, vượt qua những tháng ngày khó khăn khi không có chồng cạnh bên. Ngày chị vượt cạn, anh cũng không thể về. Từ Trường Sa trở về, anh Hóa được gần gũi với hai mẹ con cũng chẳng được bao nhiêu. “Tôi cũng không nhớ rõ anh nhận nhiệm vụ xa nhà, xa đơn vị bao nhiêu lần và đi những nơi đâu, chỉ nhớ anh đã từng đến rất nhiều miền quê, thao trường ở những địa danh khác nhau: Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn… Vào tháng 8 năm ngoái, anh Hóa lại cùng đồng đội lên đường vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B ở tỉnh Bình Dương” - chị Ve cho biết. Hiện nay, anh Hóa đang công tác tại Bệnh viện Quân y 91, Cục Hậu cần, Quân khu 1 (thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Do điều kiện công tác, khoảng cách địa lý, gia đình anh chị vẫn phải xa nhau, thế nhưng vượt qua tất cả những khó khăn ấy họ vẫn hạnh phúc bên nhau để đến ngày được đứng trên sân khấu tôn vinh “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022”.

Ở một câu chuyện khác, chị N.M.T - một phụ nữ tham gia lớp tập huấn về công tác gia đình tại TP Lai Châu đã chia sẻ câu chuyện của mình. Chị lấy chồng đến nay đã gần 10 năm, có 2 con nhỏ cách nhau 3 tuổi. Vì vậy, việc chăm sóc con nhỏ từ miếng ăn, giấc ngủ đến học hành đã chiếm trọn thời gian của chị. Những khó khăn, vất vả rồi cũng dần qua đi, nhưng thời gian gần đây, cuộc sống hôn nhân của chị ngày càng nhàm chán. Vợ chồng chị gần như việc ai nấy làm, rất ít giao tiếp. Đến bữa ăn cơm tối thì chồng chị đi thể thao hoặc đi công chuyện gì đó, khoảng 20h mới về. Về nhà ăn xong lại ôm máy tính chơi điện tử đến khuya rồi ngủ. Đôi khi muốn tâm sự một chút với chồng về khó khăn trong công việc, cuộc sống, nuôi dạy con... nhưng chị chỉ nhận được từ anh sự im lặng, hoặc câu trả lời “em tự giải quyết đi”. Càng buồn chán hơn khi đồ đạc trong nhà hỏng hóc, chồng chị cũng không bao giờ để ý, chị phải tự sửa hoặc nhờ hàng xóm. Chị chỉ mong thỉnh thoảng được chồng hỏi han, động viên một tiếng, vậy mà sao khó quá. Đã nhiều đêm chị thức trắng nghĩ đến việc chia tay. Nhưng nhìn vào những nụ cười thơ ngây của hai con, chị lại không đành.

Hai câu chuyện gia đình từ hai góc nhìn nhắc nhớ đến kết quả nghiên cứu về “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại” của PGS.TS Trần Thị Minh Thi và cộng sự. Nghiên cứu thực hiện với 1.759 đại diện hộ gia đình từ 16 -70 tuổi thuộc 6 vùng kinh tế - xã hội khác nhau đã cho thấy hai thế hệ (sinh trước năm 1985 và sau năm 1986) mặc dù có sự chênh lệch về tuổi tác nhưng về cơ bản đều có sự tương đồng với một số quan điểm sau: gia đình sẽ hạnh phúc hơn nếu con cái thành đạt, ngoan ngoãn và mạnh khỏe; gia đình hạnh phúc nếu cả hai vợ chồng cùng chia sẻ công việc gia đình; gia đình thường không hạnh phúc nếu vợ chồng có sự khác biệt về lối sống và thiếu sự hòa hợp…

Từ kết quả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cho rằng, với rất nhiều quan điểm thì giữa hai thế hệ vẫn có sự tương đồng trong cách đánh giá, điều này thể hiện rằng mặc dù kinh tế - xã hội biến đổi mạnh mẽ nhưng nhiều giá trị gia đình vẫn được duy trì, đó chính là cái gốc rễ của hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc gia đình dựa trên nền tảng lớn nhất là tình cảm vợ chồng, một gia đình hạnh phúc là ở đó cả người chồng và người vợ đều phải trân trọng và có trách nhiệm vun đắp nếp nhà. Các khía cạnh của sự sẻ chia bao gồm vợ chồng lắng nghe và chia sẻ tâm tư của nhau, cùng nhau giải quyết những khó khăn trong cuộc sống…

Như vậy, hạnh phúc gia đình là một giá trị tưởng chừng khó hiểu, khó thực hiện, nhưng nếu nhìn nhận từ những khía cạnh thân thuộc thì nó cũng thật gần gũi và đơn sơ. Hạnh phúc là sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ; nền tảng của hạnh phúc gia đình là sự tôn trọng và lắng nghe.

Gia đình no ấm, hạnh phúc thì quốc gia giàu mạnh

Là tiêu đề bài viết của TS. Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL, theo đó, để xây dựng “mái ấm” hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị của gia đình. Có thể nói, hệ giá trị gia đình chính là hồn cốt, là cốt lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Những biến đổi về cấu trúc, chức năng và hệ giá trị của gia đình quyết định đến diện mạo của gia đình Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử.

“Với chức năng sinh sản, gia đình đã góp phần duy trì nòi giống, tái sản xuất sức lao động xã hội, bảo đảm ổn định dân số và an ninh, quốc phòng. Với chức năng kinh tế, gia đình là một đơn vị ngày càng có vai trò quan trọng đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, tạo việc làm và an sinh xã hội. Với chức năng giáo dục, gia đình thực hiện việc dạy dỗ từ thai giáo đến khi con người trở về với quy luật tự nhiên của vũ trụ; các giá trị về văn hóa gia đình như sự hiếu thuận, kính trên, nhường dưới, tôn trọng, bao dung, yêu lao động, cần cù, sáng tạo, yêu cái đẹp, cái thiện… hình thành nên cốt cách con người, giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc Việt Nam. Có thể nói hệ giá trị của gia đình là tập hợp các giá trị của gia đình được hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của đất nước, được tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, nhân văn của các quốc gia trên thế giới.

Sự khủng hoảng của chức năng, giá trị của gia đình có mối quan hệ nhân quả với những vấn đề xã hội. Giá trị đạo đức, ứng xử trong gia đình không được duy trì, rèn giũa, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo là nhân tố dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc, vi phạm pháp luật cả chính bên trong gia đình và ngoài xã hội. Những vấn đề này nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường. Gia đình không thực hiện tốt các chức năng của mình sẽ khiến xã hội mất ổn định, mất động lực phát triển của đất nước…”, theo TS. Trần Tuyết Ánh.

Đọc thêm