Đối tượng áp dụng: Phải bị thiệt hại trực tiếp, nặng nề
Bộ Tài chính cho biết, nguyên tắc là áp dụng cho DN, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình (HGĐ) sản xuất, kinh doanh (SXKD) bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch Covid-19.
Dự thảo quy định cụ thể 3 nhóm đối tượng:
Thứ nhất, DN, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, HGĐ hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất giày, dép; Sản xuất sản phẩm từ cao su; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; Sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống).
Thứ hai, DN, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, HGĐ hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế: Vận tải đường sắt; Vận tải đường bộ; Vận tải đường thủy; Vận tải hàng không; Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; Dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch (Căn cứ Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam).
Thứ ba, với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Căn cứ để xác định các tiêu chí DN nhỏ, siêu nhỏ là thông tin vốn, doanh thu trên Báo cáo tài chính hoặc số lao động đóng bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2019 đối với DN thành lập trước 01/01/2020 hoặc thông tin vốn, lao động trên hồ sơ đăng ký DN đối với DN thành lập năm 2020.
Gia hạn nộp thuế: 25.600 tỷ đồng được chậm nộp
Theo quy định của Luật quản lý thuế, cơ sở kinh doanh có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở lên thực hiện khai thuế theo tháng; tổng doanh thu dưới 50 tỷ đồng thực hiện khai thuế theo Quý. Đối với số thuế GTGT kê khai theo tháng, phải nộp trước ngày 20 của tháng tiếp theo; Đối với số thuế GTGT kê khai theo Quý, nộp chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Do vậy, để không ảnh hưởng đến cân đối NSNN năm 2020, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 05 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Cụ thể gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của các tháng 3,4,5, và 6/2020 (đối với đối tượng đang thực hiện kê khai thuế GTGT phải nộp theo tháng); Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của Quý I và Quý II/ 2020 (đối với đối tượng đang thực hiện kê khai thuế GTGT phải nộp theo quý)
Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số thuế GTGT phải nộp và hồ sơ khai bổ sung gửi đến cơ quan thuế trước thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.
Các DN, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế GTGT tháng, quý theo quy định hiện hành, nhưng chưa phải nộp ngay số thuế GTGT phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế GTGT đã kê khai.
Dự thảo cũng hướng dẫn trường hợp DN, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng có các Chi nhánh, đơn vị trực thuộc ở địa phương cấp tỉnh khác nơi DN đóng trụ sở chính (không bao gồm đơn vị có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh khai thuế GTGT tạm tính theo tỷ lệ 1%, 2%) thực hiện khai thuế GTGT riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các Chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT nếu có hoạt động SXKD trong các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực được gia hạn.
Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, HGĐ kinh doanh (hoạt động trong các ngành kinh tế thuộc đối tượng áp dụng), Dự thảo quy định nộp số tiền thuế được gia hạn (thuế GTGT, thu nhập cá nhân) trước ngày 15/12/2020.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 - 6 /2020 (nộp trong tháng 4- 7/2020) thì số thu NSNN của các tháng đó giảm khoảng 22.600 tỷ đồng (số thuế GTGT giãn của DN theo ngành kinh tế là 11.700 tỷ đồng; số thuế GTGT giãn của DN nhỏ và siêu nhỏ là 10.900 tỷ đồng). Tuy nhiên, số thu NSNN năm 2020 không giảm do DN phải nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2020.
Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, HGĐ kinh doanh, số thuế phát sinh phải nộp năm 2019 được gia hạn là khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng số thu NSNN năm 2020 không giảm do đối tượng này phải nộp vào NSNN trước ngày 15/12/2020.
Gia hạn tiền thuê đất: 4.500 tỷ đồng được chậm nộp
Theo Điều 24 Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, thời hạn nộp tiền thuê đất hàng năm là 02 kỳ (Kỳ 1 trước ngày 31/5; Kỳ 2 trước ngày 31/10). Để thống nhất thời gian gia hạn về thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị cho phép gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất 05 tháng kể từ ngày phải nộp tiền thuê đất của Kỳ 1 theo quy định của pháp luật.
Dư thảo quy định, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của DN, tổ chức, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và sử dụng đất vào mục đích SXKD thuộc đối tượng áp dụng. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính tính toán, số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN năm 2020 không giảm do các đối tượng này phải nộp vào NSNN trước ngày 31/10/2020.
Bộ Tài chính đang xin ý kiến về dự thảo này đến hết ngày 17/3 để tập hợp trình Chính phủ ban hành…