Sức mua của người dân tại các chợ dân sinh có phần không được mạnh sau Tết Nhâm Thìn này, mặc dù giá các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, rau… không tăng quá cao so với cùng thời điểm năm trước.
|
Giá thực phẩm sau Tết Nhâm Thìn không tăng cao so với cùng kỳ những năm trước, song tại các chợ dân sinh, nhu cầu mua sắm của người dân chưa lớn. |
Giá tăng không cao nhưng hàng chợ vẫn ế
Theo nhận định của nhiều tiểu thương tại các chợ dân sinh, năm nay, các mặt hàng lương thực, thực phẩm không tăng giá mạnh như các năm trước vào thời điểm sau Tết. Tuy nhiên, sức mua thịt, cá… lại khá trầm lắng, không thu hút người tiêu dùng.
Khoảng một tuần sau Tết Nhâm Thìn, tại chợ Ô Chợ Dừa, su hào có giá 6.000 đồng một củ, rau sống 5.000 đồng một lạng, cải cúc 3.000 đồng một mớ, rau muống 9.000 đồng một mớ… Tại các chợ như chợ Cầu Giấy, chợ Láng Yên, chợ Thành Công A, mỗi kg thịt lợn tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng so với trước Tết, thịt nạc thăn có giá phổ biến là 150.000 đồng/kg, thịt mông, ba chỉ/vai dao động 120.000 - 130.000 đồng/kg. |
Bà Lê Thị Chiến, chủ của sạp hàng thịt lợn tại chợ Thành Công A cho biết, giá mỗi cân thịt hiện chỉ tăng khoảng 15.000 - 20.000 đồng. Còn các năm trước, vào thời điểm này có thể tăng 60.000 - 70.000 đồng/kg. “Giá tăng như vậy một phần do các cơ sở chăn nuôi đã mổ thịt gần như hết trong năm và nhu cầu tiêu dùng trước Tết tăng cao”.
Bà Chiến chia sẻ thêm: “Giá thịt, cá tuy tăng giá thấp hơn so với các năm nhưng người mua lại không quan tâm lắm. Khách mua lẻ rất ít nên hàng chợ ế”.
Sức mua các quầy hàng rau khả quan hơn. Nhiều tiểu thương chia sẻ, mặc dù nguồn hàng năm nay đã được chuẩn bị khá dồi dào, nhưng do mưa rét kéo dài nên số lượng không nhỏ rau bị dập nát, ít người thu hoạch. Giá các mặt hàng rau tươi biến động tăng từ 10% đến 20%.
"Mấy ngày đầu năm này bán được, mức tăng giá rau cũng được người mua chấp nhận. Đơn cử, một mớ cần trong năm 10.000 đồng, sau tết tăng lên 15.000 đồng", bà Bùi Thị Mùi, bán rau tại chợ Cầu Giấy, nói.
Bà Trần Bích Hường, một người nội trợ ở phố Chùa Hà, Cầu Giấy có nhận định tương tự: “Năm nay cao nhất 15.000 - 20.000 đồng một mớ rau muống, các năm trước có khi lên đến 25.000 - 30.000 đồng một mớ. Nói chung mức giá như thế này là có thể chấp nhận được".Hàng bình ổn giá sức mua cũng chưa cao
Hầu hết người nội trợ hay mua sắm tại các Trung tâm thương mại, siêu thị đều cảm thấy hài lòng bởi chất lượng và nguồn gốc hàng hóa được đảm bảo và mức giá các mặt hàng sau Tết năm nay cũng được giữ ở mức khá ổn định. Tuy vậy, nhiều đại diện các siêu thị cho rằng, có thể do kinh tế khó khăn, người dân đắn đo trong chi tiêu nên sức mua chưa được cao.
Theo bà Lê Thanh Nga ở Lạc Trung, Hà Nội, những ngày sau Tết này, rau xanh tại các chợ truyền thống đắt hơn tại siêu thị, ví dụ, rau muống ở ngoài là 10.000 - 11.000 đồng một mớ nhưng ở siêu thị thì chỉ có 8.000 đồng/mớ...
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, hầu hết các bộ, các ngành, các địa phương đã cùng các doanh nghiệp tổ chức, xây dựng các phương án chuẩn bị nguồn hàng cho Tết và sau Tết đầy đủ để có thể đảm bảo sự cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Do vậy, hiện tại giá của các hàng hóa vẫn giữ ở mức bình ổn như những ngày trước Tết.
Cũng theo báo cáo nhanh của bộ tài chính thì giá cả thị trường năm nay có tăng, nhưng chỉ tăng ở mức nhẹ, do năm nay lượng hàng hóa được chuẩn bị là khá dồi dào. Trong khi đó, sức mua của thị trường tăng thấp, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn năm trước.
Nguyễn Thọ