Đã hơn 20 năm nay, người dân bản Suối Tút đã quen thuộc với hình ảnh một cụ ông vai đeo túi, mang dao rựa vẫn đi về phía cột mốc.
Già làng của Suối Tút
Trong những ngày đầu xuân, khi hoa đào vẫn còn vương nở trên những ngọn đồi, đôi chân lại thôi thúc tôi rời xa phố thị, lên với vùng núi cao để tận hưởng chút hương xuân trên mỗi bản làng huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) để gặp gỡ những con người đôn hậu, chất phác, cùng nghe những câu chuyện về đất và người nơi đây.
Xuân về trên bản Suối Tút (xã Quang Chiểu) trong niềm vui hân hoan của bà con dân bản về một cuộc sống no đủ hơn, ấm áp và bình yên của bản làng. Già làng Phan Văn Xiết tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang còn thơm mùi gỗ. Ông kể cho tôi nghe về cuộc sống đổi thay của người dân bản Suối Tút, về những nét văn hóa của người Dao đỏ và câu chuyện giữ cột mốc vùng biên của ông và người dân bản Suối Tút. Bản Suối Tút có 21 hộ với 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao.
Nhiều năm về trước, người Dao ở Suối Tút sinh sống trên đỉnh Pù Quăn cao ngất, cuộc sống quanh năm luẩn quẩn với đói nghèo và lạc hậu. Một số hộ đã đi tìm vùng đất thấp, bằng phẳng hơn để lập nghiệp và gắn bó với mảnh đất này từ đó, cùng nhau sinh sống hòa thuận, chăm chỉ làm ăn và bảo vệ đường biên mốc giới.
Sau một cái tết rộn ràng, người dân bản Suối Tút lại trở về với cuộc sống sinh hoạt đời thường. Và già làng Phan Văn Xiết lại trở về với công việc “vác tù và hàng tổng” của mình suốt mấy chục năm qua mà ông đã tình nguyện nhận làm với tâm niệm “giữ vững cột mốc là giữ bình yên cho bản làng mình và cũng là trách nhiệm của mỗi người dân bản Suối Tút", trong đó có ông.
Trung tá Lê Doãn Quế (Chính trị viên Đồn biên phòng Quang Chiểu) cho biết: “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên mốc giới đã được bà con nhân dân tham gia hưởng ứng. Những người tình nguyện giữ cột mốc vùng biên đều là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ vừa là người dẫn đường, đồng thời là cơ sở vững chắc ở địa bàn”.
|
Già Xiết lấy vạt áo lau bụi bẩn bám trên cột mốc |
Tôi may mắn có dịp cùng già làng Phan Văn Xiết và cán bộ biên phòng Đồn biên phòng Quang Chiểu đi tuần tra cột mốc. Thiếu tá Nguyễn Văn Lương (Đồn biên phòng Quang Chiểu) cho biết: Đồn biên phòng Quang Chiểu có nhiệm vụ quản lý 22km đường biên giới giáp nước bạn Lào, trong đó bản Suối Tút có 4km đường biên và 4 cộc mốc gồm mốc 285, mốc 286, mốc 287 và mốc 288.
Đôi chân vẫn bước những bước đi rắn rỏi, khỏe mạnh, ông Xiết dẫn đường cho chúng tôi đến thăm từng cột mốc. Vừa đi ông vừa kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm của những lần đi tuần tra cột mốc suốt hơn 20 năm qua.
Ngày trước con đường đi hiểm trở lắm, cây cối mọc um tùm, già phải mang dao theo vừa đi vừa phát đường. Những ngày nắng còn đỡ vất vả, còn ngày mưa thì đường trơn trượt, lại có nhiều vắt và muỗi rừng lắm.
“Có những hôm mưa gió rét buốt nhưng già vẫn đi vì mình đã hứa với Đảng và cán bộ biên phòng sẽ bảo vệ tốt cột mốc rồi mà” – già Xiết khẳng định.
Con đường từ bản Suối Tút đến cột mốc 286 dài chừng 5km và phải đi bộ hơn 2 tiếng đường rừng với núi cao, suối sâu và những con dốc dựng đứng, nhưng vẫn không làm nao núng tinh thần và ý chí của già Xiết. Thiếu tá Nguyễn Văn Lương (Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm ma túy Đồn biên phòng Quang Chiểu) nói: “Đã mấy lần mình và anh em chiến sỹ Đồn cùng ông Xiết đi tuần tra cột mốc rồi, phải cố gắng mới theo nổi bước chân của cụ đó. Thậm chí, đôi khi già Xiết còn phải đợi anh em chúng mình nữa”.
Nghe Thiếu tá Nguyễn Văn Lương nói, già Xiết lại cười vang sảng khoái. Ông bảo: “Già sinh ra ở núi đồi, sống cùng núi đồi mấy chục năm nay rồi, từng cái cây, viên đá của con đường này già đều nhớ. Già đi mãi rồi cũng quen, đôi chân không biết mỏi nữa”.
Mặc dù ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Xiết vẫn còn tráng kiện, những bước đi vẫn thoăn thoắt dù đôi chân đã chai sần. Hình ảnh ông Xiết lấy vạt áo lau sạch bụi bẩn trên cột mốc, đôi bàn tay rắn rỏi kiểm tra từng góc của cột mốc rồi ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay khiến tôi và những cán bộ biên phòng xúc động về một con người đã dành trọn trái tim mình cho cột mốc vùng biên.
Vừa kiểm tra cột mốc, già Xiết vừa nói: “Ngày trước người dân mình chưa hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của cột mốc nên không có ý thức bảo vệ, có một số kẻ xấu còn làm sứt mẻ và hư hỏng cột mốc. Những lúc như thế già buồn lắm, buồn vì chẳng thể làm được gì, rồi nhặt từng mảnh vỡ gói lại cẩn thận mang về Đồn giao lại cho cán bộ biên phòng”.
Đứng trên đỉnh đồi Pom Dưới, nơi có cột mốc 286, bỏ lại sau lưng những giọt mồ hôi, đôi chân tê dại vì nhức mỏi, tôi thấy tự hào về đất nước mình, về những người lính biên phòng và già làng Phan Văn Xiết vẫn ngày đêm bảo vệ cột mốc vùng biên như bảo vệ thân thể mình.
Trên con đường trở về bản Suối Tút, già Xiết nói với chúng tôi mà như nói với chính mình: “Bây giờ già chỉ buồn vì đôi chân không còn khỏe như trước để có thể một tháng đôi lần lên với cột mốc nữa. Nhưng việc già chưa làm xong thì sẽ có con cháu của già và cả bản làng người Dao ở Suối Tút làm thay, chúng nó sẽ là người kế tiếp bảo vệ cột mốc nơi biên cương”. /.