Những người đàn bà “vác” gia đình trên vai

(PLO) - Đối với những người phụ nữ đang ngày đêm còng lưng, ráng sức làm công việc cửu vạn ở vùng biên giới phía Bắc, hạnh phúc đơn giản chỉ là có đủ sức khỏe để lao động, là một ngày có nhiều việc để kiếm tiền gửi về cho gia đình, là được chồng con thấu hiểu, cảm thông … 

Những người đàn bà “vác” gia đình trên vai
Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 với thông điệp “Yêu thương và chia sẻ”, xin được sẻ chia với nỗi khát khao hạnh phúc của những nữ cửu vạn vùng biên trong cuộc đời này. 
Mẹ ráng sức để con không bị đói
Tết vừa qua, tháng Giêng, Hai vẫn nhộn nhịp lễ hội nhưng những nữ cửu vạn ở thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã lại lầm lũi khom mình cõng những bao hàng nặng trịch trên lưng. Khí trời miền núi cao vẫn còn lạnh tái tê, ấy thế mà lưng của các nữ cửu vạn đã ướt đẫm mồ hôi, sũng nước như họ vừa dầm mình trong mưa rào.
Chị Vương Thị Phiên (34 tuổi, quê ở Võ Nhai, Thái Nguyên) đã có ít nhất 3 năm kinh nghiệm với công việc nặng nhọc này. Chị kể: “Hồi mới lên Đồng Đăng làm cửu vạn, lần đầu cõng hàng mà mình rơi nước mắt vì hàng nặng và vất vả, thời tiết chưa quen nên ốm đau liên miên, cũng đã toan bỏ về mấy lần, nhưng rồi nghĩ lại về quê bây giờ biết làm nghề gì để sống, nhà cửa khốn cùng quá nên lại cắn răng gắng gượng vượt qua”. 
Cái nghèo bủa vây bắt buộc chị Phiên và rất nhiều người đàn ông, đàn bà từ tứ xứ đổ về phải bám trụ cái nghề mà họ thường ví von như kiếp con trâu, con bò ngày đêm lầm lũi cõng hàng. 
Chị Phiên lại kể tiếp về công việc của mình lúc mới lên: “Làm nghề này phải cực nhanh và cực khỏe. Lúc mới lên do chưa có kinh nghiệm, hàng về đầy trước mặt mà mình chẳng nhận được vác nào. Có lúc thì bị người khác tranh mất hàng, có lúc lấy được một vác rồi nhưng không biết buộc hàng lên vai nên lại bị người khác cướp mất”. 
Mỗi vác hàng ở đây nhẹ cũng phải từ 50 đến 70kg, nặng thì từ hơn 1 tạ cho đến 2 tạ. Lúc mới nhập hội cửu vạn, sức phụ nữ của chị Phiên chỉ vác được vài chục kilôgam. Vác riết rồi cũng quen, lại nghĩ đến số tiền công mang về, nữ cửu vạn cố gồng mình vác cho kì được 150kg. Con số ấy khiến những nữ cửu vạn khác tròn xoe mắt, cánh mày râu cũng phải nghiêng mình nể phục.
Nhưng chị cũng chẳng sung sướng gì về sự nể phục ấy vì vác 150kg đi qua quãng đường gần 2 cây số khiến chị phải thở ra cả đằng miệng, đằng tai. Chị chỉ sung sướng khi nghĩ đến số tiền công sắp được trả mà thôi. Một ngày, chỉ cần cõng được hai vác là chị có 500 – 600 ngàn đồng cất túi rồi. Con chị ở nhà không lo bị đói nữa.
“Giằng nhau mà ăn, cướp nhau mà uống để mà sống” là câu nói cửa miệng mà giới cửu vạn dùng để miêu tả cuộc sống của họ nơi biên giới giáp ranh hai nước, nơi được mệnh danh là “chảo lửa” về hàng buôn lậu. 
Một xe hàng đến chỉ có khoảng 15-20 vác, nhưng có đến 30 – 40 người cửu vạn cả đàn ông lẫn đàn bà đứng chực chờ. Thế nên, vì miếng cơm manh áo, làm gì có chuyện người này nhường cho người kia, đàn ông nhường cho phụ nữ mà tất cả cùng lao vào như con thiêu thân, tranh giành nhau, xô đẩy nhau để giành cho mình được một vác. Không đủ vác, nhiều người sẵn sàng nhận cõng hàng lậu để kiếm tiền. Họ phải đi đêm, phải đi những con đường tắt băng qua rừng, qua suối với biết bao hiểm nguy rình rập xung quanh. 
Những người làm nghề cửu vạn phải cõng những bao tải hàng trên dưới 1 tạ trên đoạn đường từ 2-20km mới kiếm được vài trăm ngàn.
Những người làm nghề cửu vạn phải cõng những bao tải hàng trên dưới 1 tạ trên đoạn đường từ 2-20km mới kiếm được vài trăm ngàn. 
Chỉ mong chồng con thấu hiểu
Tiền kiếm được nhưng những nữ cửu vạn như chị Phiên chẳng dám tiêu lấy một đồng. Năm, sáu người cùng nhau thuê một phòng trọ chật hẹp, hôi hám. Đi làm về sớm thì họ nấu cơm, còn về muộn thì họa hoằn lắm mới dám vào ăn một bát phở rẻ tiền, còn lại đa số đều nhịn cho qua bữa. Với nghề này, mỗi người có một hoàn cảnh riêng nhưng đều có điểm chung là gia cảnh khó khăn. 
Đơn cử như gia đình chị Phiên cả năm chỉ trông chờ vào vài sào ruộng thì lấy đâu ra tiền để trang trải cuộc sống. Bố mẹ hai bên đều nghèo nên cũng chẳng giúp đỡ được gì. Ngặt nỗi, chồng chị đã không có nghề nghiệp ổn định lại dính vào tật rượu chè, bài bạc. Thế nên chị lên Lạng Sơn làm cửu vạn, còn chồng ở nhà làm ruộng và trông nhà, trông con. 
Chị giãi bày: “Chồng mình là người chậm chạp mà công việc này đòi hỏi phải nhanh nhẹn, nếu gặp công an mà không biết chạy thì bị bắt ngay. Hơn nữa, ở nơi này tệ nạn xã hội nhiều, mình là phụ nữ ở đây may ra còn chắt chiu được chứ đàn ông sống ở đây có khi lại hỏng người. Thế nên mình quyết định để anh ở nhà trông con, còn mình đi làm”. 
Làm cửu vạn được vài năm, chị Phiên đã giúp gia đình thoát nghèo và mua được chiếc xe máy. Chị vui lắm. Với chiếc xe ấy, chị có thể về bất kể lúc nào chị muốn dù đêm hay ngày, dù đoạn đường về nhà dài tới 150km. “Giờ mua được chiếc xe này rồi, nếu ở nhà chồng mình đi uống rượu lỡ xảy ra tai nạn, mình có thể về được luôn, bất kể đêm tối để chăm sóc chồng…”. 
Những lời tâm sự của chị đều đều, cam chịu, buồn như những giọt nước mắt rơi. Đáng buồn là không riêng chị Phiên mà rất nhiều phụ nữ làm nghề cửu vạn khác cũng đang sống cảnh đời như vậy. Biết đến bao giờ hạnh phúc mới “đậu” trên bờ vai họ?

Đọc thêm