Tại miền Bắc, giá lợn hơi nhiều tỉnh rơi từ 90.000 đồng xuống 80.000-83.000 đồng/kg. Giá tại Phú Thọ hôm qua (3/1) giảm 6.000 đồng/kg so với một ngày trước đó, xuống 82.000 đồng/kg. Tuyên Quang giảm giá còn 83.000 đồng, Hưng Yên giá lợn vọt lên 100.000 đồng cũng đã xuống mức 89.000 đồng/kg.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn cũng “hạ nhiệt” thêm 5.000 đồng xuống bình quân còn 83.000-86.000 đồng/kg lợn hơi. Tại miền Nam, giá lợn hơi còn 77.000 - 83.000 đồng/kg.
Không chỉ giá lợn hơi từ các trang trại trong dân, giá tại các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường cũng nhanh chóng “hạ nhiệt”. Tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, giá lợn hơi ba miền được giảm còn 83.000 đồng/kg. Tập đoàn DABACO giảm giá lợn hơi xuống ngang bằng với CP. VISSAN và các doanh nghiệp bán lẻ cũng có động thái tương tự.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nêu bốn nguyên nhân tác động mạnh khiến giá thịt lợn đi xuống. Thứ nhất là sự can thiệp của Chính phủ trong rà soát chặt chẽ nguồn lợn trong nước. Thứ hai là tăng nguồn thịt lợn nhập khẩu.
Thứ ba là người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng chuyển sang ăn thịt mát nên sản phẩm đông lạnh nhập khẩu về bắt đầu được người tiêu dùng đón nhận. Cuối cùng là khi giá lợn được các công ty dẫn dắt thị trường điều chỉnh đi xuống thì người chăn nuôi, trang trại nhỏ lẻ bắt đầu đồng loạt bán ra giúp nguồn cung tăng và giá lợn được “hạ nhiệt”.
Trước đó, các siêu thị đã đồng loạt giảm 10.000-20.000 đồng/kg so với tháng trước.
Theo ông Nguyễn Quốc Lân - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, do giá thịt lợn cao nên dự báo nhu cầu tiêu dùng tháng cuối năm sẽ giảm nhẹ khoảng 5 - 10% so với năm 2018, nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 - 320.000 tấn/tháng. Như vậy, nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 01/2020 khoảng 600.000 tấn.
Đại diện Bộ Công Thương cũng dự báo, giá lợn hơi trong nước có thể tăng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhưng dự báo giá lợn hơi trong năm 2020 khó tăng mạnh, thậm chí có chiều hướng giảm do dịch tả lợn Châu Phi đã dần được khống chế; đàn lợn ở các trang trại lớn về cơ bản được đảm bảo; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự phối hợp, xử lý của các cơ quan quản lý; các doanh nghiệp chủ động nguồn nhập khẩu; người chăn nuôi tái đàn thành công; nhu cầu sau Tết giảm,... Mặt khác, nguồn cung các loại thịt gia súc khác, gia cầm, thủy, hải sản ở trong nước được đảm bảo.