Kiên quyết tấn công tội phạm trên biển
Sáng 20/4/2017, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 389 TP Hải Phòng do ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố đã trao thưởng cho cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cát Hải về thành tích bắt giữ vụ vận chuyển 1.850 tấn than trái phép.
Thay mặt Ban Chỉ đạo 389 TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Bình đã biểu dương kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển trong thời gian qua của BĐBP Hải Phòng nói chung và Đồn BP Cát Hải nói riêng và chỉ đạo BĐBP Hải Phòng triển khai quyết liệt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần phát triển kinh tế của thành phố và đất nước.
Trước đó, lúc 13 giờ ngày 12/4/2017, tại khu vực cửa sông Lạch Huyện, huyện Cát Hải, Tổ tuần tra Đồn BP Cát Hải đã tiến hành kiểm tra tàu Trường Giang 08, biển kiểm soát NĐ 3276, trọng tải 2.162 tấn, công suất 1.040 mã lực, do ông Phạm Văn Thái (SN 1972, trú tại xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định làm thuyền trưởng). Tàu NĐ 3276 có hành trình từ Hải Dương đi Quảng Bình, vận chuyển 1.850 tấn than cám không có giấy tờ theo quy định của pháp luật. Đồn BP Cát Hải đã ra quyết định giữ phương tiện, tang vật để điều tra, xác minh.
Sáng 22/4/2017, Tổ tuần tra trên biển Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Quy Nhơn, BĐBP Bình Định đã phát hiện, tạm giữ một tàu hàng vận chuyển gần 3.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc. Tàu chở dầu lậu do ông Đỗ Thành Thạo (SN 1978, ở Tổ 48, khu vực 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) làm chủ, bị bắt giữ khi đang đi vào khu vực vùng nước biển cảng Quy Nhơn.
Qua kiểm tra, tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện và hàng hóa do chủ tàu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Hiện vụ việc đang được Đồn BPCK cảng Quy Nhơn điều tra, xử lý.
Hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên các vùng biển bị triệt phá gần đây thể hiện sự kiên quyết tấn công tội phạm của lực lượng BĐBP. Qua đó cũng thấy rõ quy mô, phạm vi hoạt động của các đường dây buôn lậu trên các vùng biển nước ta ngày càng lớn và phức tạp. Lợi dụng triệt để vùng biển rộng, địa hình hiểm trở, nhiều đảo lớn nhỏ, tập trung đông tàu bè, lại giáp ranh với nhiều nước, các đối tượng buôn lậu đã chọn nơi đây là địa bàn “lý tưởng” để thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển của các lực lượng chức năng cũng đang nóng lên từng ngày.
Một trong những mánh khóe mà các đối tượng buôn lậu sử dụng là dùng các phương tiện tàu, thuyền có công suất lớn, trọng tải có khi lên đến hàng trăm tấn, trang bị thiết bị hàng hải đầy đủ, hiện đại và thuê các thủy thủ có nhiều kinh nghiệm sông nước, thông thạo luồng lạch, lợi dụng thời tiết xấu, đêm tối, địa hình phức tạp để ẩn nấp, di chuyển ra vùng biển giáp ranh, vòng tránh các chốt, trạm BP, sau đó vận chuyển hàng hóa ra khu vực đường phân định biên giới trên biển để di chuyển “vượt biên” tránh sự kiểm tra, bắt giữ của các lực lượng chức năng.
Trước yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng tổ chức mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm trên biển, tăng cường công tác nghiệp vụ điều tra cơ bản, đánh đúng, đánh trúng vào các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các chủ đầu nậu. Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến trọng điểm như vùng biển Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên các vùng biển của Tổ quốc.
Gia tăng buôn lậu xăng dầu trên biển có yếu tố nước ngoài
Buôn lậu xăng dầu trên biển có diễn biến khá phức tạp, tập trung tại các vùng biển trọng điểm thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Vũng Tàu, Cà Mau, Quảng Bình, Bình Định, Kiên Giang, Khánh Hòa… Đáng chú ý, buôn lậu xăng dầu trên biển có yếu tố nước ngoài gia tăng và phức tạp. Ở vùng biển giáp ranh với Malaysia và Indonesia, tình hình buôn lậu xăng dầu diễn biến rất phức tạp. Các tàu thuyền Việt Nam khi giao nhận hàng tại Malaysia và Indonesia lợi dụng giá xăng dầu bên đó rẻ để mua, đem về Việt Nam tiêu thụ. Hoạt động này làm cho thị trường xăng dầu của Việt Nam bị xáo trộn và ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xăng dầu làm ăn chân chính trong nước.
Ngoài ra, các đối tượng nước ngoài mang quốc tịch Thái Lan, Mông Cổ, Campuchia, Dominica, Malaysia, Trung Quốc… dùng thủ đoạn liên lạc, móc nối với các đầu nậu rồi đưa xăng, dầu vào lãnh hải Việt Nam trao đổi. Các đối tượng buôn lậu của Việt Nam sử dụng tàu gỗ nhỏ đã hoán cải để tiếp cận các tàu nước ngoài nhận xăng dầu, sau đó bán lại cho các tàu ngư dân đánh bắt cá xa bờ dài ngày trên biển, một số vận chuyển mang vào đất liền để tiêu thụ.
Nguyên nhân buôn lậu xăng dầu trên biển gia tăng là do chênh lệch giá xăng dầu giữa thị trường trong nước và bên ngoài còn cao, lợi nhuận thu được từ buôn lậu rất lớn; trong khi đó, vùng biển lại rộng, khó kiểm soát, quản lý, lực lượng chức năng chống buôn lậu trên biển mỏng, phương tiện đấu tranh trang bị chưa đầy đủ… Lợi dụng những yếu tố trên, các đối tượng buôn lậu đã bất chấp mọi thủ đoạn gia tăng vận chuyển, buôn bán trái phép xăng dầu trên các vùng biển.
Đại tá Đỗ Ngọc Toàn - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: “Do chênh lệch giá, một số ngư dân đánh cá xa bờ trước khi đi chỉ mua một ít nhiên liệu đủ để ra khơi, sau đó mua xăng dầu lậu trên biển để hoạt động khiến tình hình buôn lậu thêm phức tạp”.
Để đối phó, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển thường liên lạc với nhau bằng sim điện thoại rác, lợi dụng đêm tối giao nhận hàng ngay trên biển. Khi bị kiểm tra, các đối tượng trình hóa đơn mua bán dầu hợp pháp, thực chất là hóa đơn quay vòng cho nên rất khó xác định các hành vi vi phạm. Các hoạt động mua bán này thường có tổ chức và quy mô lớn. Khi bị bắt giữ, mặc dù số lượng xăng dầu lậu lớn nhưng cũng chỉ bị xử lý hành chính khiến hiệu quả phòng, chống buôn lậu không cao. Nhiều trường hợp sau khi bị phạt hành chính lại tiếp tục tổ chức buôn lậu, vận chuyển dầu trái phép.
Không chỉ tìm đủ mọi cách tiêu thụ trót lọt hàng hóa nhập lậu, một số đối tượng còn tổ chức xuất lậu các mặt hàng trọng điểm như than, quặng. Nhóm đối tượng này thường sử dụng tàu có trọng tải lớn dùng hóa đơn, chứng từ vận chuyển nội địa, khi đi qua khu vực giáp ranh biên giới, nếu có cơ hội thì lập tức chuyển hướng để xuất lậu sang Trung Quốc.