Chi phí sản xuất điện tăng 7,16%
Căn cứ kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra (bao gồm đại diện của các Bộ, cơ quan, hiệp hội có liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là hơn 528 nghìn tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Tổng chi phí này tăng hơn 35 nghìn tỷ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022; Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,9 đ/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022 (trong đó các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên).
Cụ thể, tổng chi phí khâu phát điện là 441,3 nghìn tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.744,12 đ/kWh. So với năm 2022, chi phí khâu phát điện năm 2023 tăng hơn 29 nghìn tỷ đồng. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 18,8 nghìn tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 74,61 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là gần 66,8 nghìn tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 263,87 đ/kWh. Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.595,6 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,31 đ/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 428,54 tỷ đồng.
Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2023 là 253,05 tỷ kWh, tăng 4,26% so với năm 2022. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là hơn 494,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,18% so với năm 2022. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đ/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022.
Nghiên cứu để EVN không bị lỗ trong tương lai
Bộ Công Thương khẳng định, việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện; tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành.
Do đó, theo như công bố, nếu tính thuần kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023, EVN lỗ hơn 34 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN có thu nhập thêm từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 vào khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ gần 22 nghìn tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Đáng chú ý, kết quả kiểm tra này chưa bao gồm một số khoản cần phải hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 như phần còn lại của khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần (còn lại từ năm 2019 đến nay) và khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020-2023. Tổng chi phí chưa hạch toán vào khoảng 18 nghìn tỷ đồng.
Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực Công Thương trong phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điện là một trong những mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước. Hiện nay EVN là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia và phải mua với cơ chế giá thị trường, nhưng đầu ra lại phải bảo đảm bình ổn, bởi giá điện có liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất khác. Đó là lý do gây ra sự chênh lệch giữa đầu vào, đầu ra. Theo đó, hiện chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của EVN là khoảng 208-216 đồng/kWh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, để EVN sẽ không bị lỗ trong tương lai thì ngành Công Thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Điện lực, sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 này, theo hướng xóa bù chéo giữa các đối tượng, các khách hàng sử dụng điện; bên cạnh đó, phải tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện năng, trong đó có giá sản xuất điện, giá điều độ, vận hành hệ thống điện để bảo đảm khách quan.