Giá vàng hôm nay 29/10: Vàng trong nước hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mở đầu phiên giao dịch sáng nay, giá vàng trong nước quay đầu giảm cả 2 chiều mua vào và bán ra, mức giảm cao nhất 200.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới vẫn chưa thể bứt phá khỏi mốc 1.800 USD/ounce.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 57,80-58,52 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 200.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 57,80-58,40 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng 600.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 57,70-58,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng 750.000 đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.797,70 USD/ounce, giảm 1,4 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (22.855), tương đương 50,05 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 8,47 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới biến động nhẹ, quay quanh mốc 1.800 USD/ounce sau khi nền kinh tế Mỹ quý III tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ quý II/2020, do ảnh hưởng bởi sự gia tăng của dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt hàng hóa do khủng hoảng chuỗi cung ứng kéo dài.

Dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố cho thấy, tăng trưởng GDP quý III của nền kinh tế Mỹ ước tính chỉ 2,0%, không tốt như kỳ vọng trước đó là 2,8%, cũng không tốt như cùng kỳ năm ngoái và quá thấp so với mức tăng trưởng 6,7% trong quý II.

Chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - chỉ số lạm phát chính thường được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng khi đưa ra các chính sách tiền tệ, được báo cáo ở mức tăng 5,3%, so với mức tăng 6,5% trong quý II. Dữ liệu GDP yếu hơn phần nào được bù đắp bởi báo cáo thất nghiệp hàng tuần cho thấy có giảm đi.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm, ổn định ở đáy 2 tuần, giúp làm giảm chi phí cơ hội của việc sở hữu kim loại quý.

Theo giới phân tích, thị trường thế giới đang có nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến giá kim loại quý. Sự trở lại của dịch COVID-19 với chủng virus mới nguy hiểm ở một số khu vực, cuộc khủng hoảng năng lượng và cả những rắc rối trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó, theo thông tin từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhiều nước và các quỹ đầu tư đang ồ ạt mua vàng thời gian qua. Các quỹ, trong đó có quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust đã mua ròng vàng trở lại ngay sau khi giá vàng giảm. SPDR Gold Trust đã mua vào 1,74 tấn trong ngày 26/10, đưa lượng vàng nắm giữ lên 979,81 tấn. Các ngân hàng trung ương cũng đã mua 69 tấn vàng dự trữ so với 10 tấn trong cùng kỳ năm 2020.

Thị trường hiện có xu hướng chờ đợi cuộc họp quan trọng của Fed diễn ra vào tuần tới, để có thêm thông tin về việc liệu nền kinh tế số 1 thế giới có xem xét thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn không. Các quan chức Fed cũng đang đối mặt với thách thức về lạm phát cao và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, tỷ lệ tuyển dụng thấp và nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.