Giá vàng hôm nay 30/7: Giá vàng trong nước lại tăng mạnh, thêm 1 triệu đồng/lượng

(PLVN) - Mở đầu phiên giao dịch sáng nay - 30/7, giá vàng trong nước tiếp tục đà tăng, với mức tăng cao nhất 1,1 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu vàng trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng giá cả chiều mua – bán vàng.
Hình minh họa.

Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:

Giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 56,30-57,72 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 1,42 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 56,40-57,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng 1,05 triệu đồng/lượng.

Tại Tập đoàn DOJI giá vàng niêm yết ở mức 56,32-57,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,07 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 600.000 đồng /lượng ở chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 1,23 triệu đồng/lượng.

Còn tại Mi Hồng SJC, giá vàng được thương hiệu này điều chỉnh tăng chóng mặt ở mức 56,70-57,70 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên mức giá ở chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 1 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay niêm yết ở mức 1.968,8 USD/Ounce. Tăng 9,5 USD/Ounce so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.090), tương đương 54,83 triệu đồng/lượng.

Tình hình thế giới khó lường được cho là yếu tố chính tiếp tục hỗ trợ vàng. Trong hơn 1 tuần qua, giá kim loại quý tăng sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 7 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường. Chỉ số này đã giảm xuống 92,6 điểm, so với mức 98,3 điểm trong tháng trước đó. 

Hiện tại, người tiêu dùng Mỹ ít lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới trong ngắn hạn, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều bang của nước này.

Vàng tăng giá còn do giới quan sát thị trường dự báo xung đột Mỹ-Trung có thể chuyển sang giai đoạn mới, một cuộc chiến về vốn và cuộc chiến này có thể tác động tiêu cực đến đồng USD.

Ngoài ra, thị trường lo ngại các trường hợp Covid-19 gia tăng và kỳ vọng hỗ trợ nhiều hơn từ gói kích thích kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang đã bơm hàng nghìn tỷ đô la để ổn định nền kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ trước sự tàn phá bởi đại dịch Covid-19. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco, News Mike McGlone-chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại Bloomberg Intelligence, cho biết thị trường vàng có vẻ hơi căng. Giá đã đẩy lên mức cao kỷ lục và trong khoảng cách nổi bật là 2.000 USD/ounce. Ông nói thêm rằng về cơ bản, vàng không ở gần mức định giá quá cao khi ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục đổ tiền vào thị trường tài chính.

McGlone nói rằng ông sẽ khuyến nghị các nhà đầu tư tìm mua vàng giảm giá vì giá có thể tiếp tục dao động quanh mức 2.000 USD/ounce trong cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ.

“Trong ngắn hạn, vàng cao hơn khoảng 21% so với mức trung bình 52 tuần của nó, đó là mức cao nhất kể từ mức đỉnh năm 2011,” ông McGlone nói.

McGlone cũng cho rằng các nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi thị trường chứng khoán. Với trái phiếu cung cấp cho các nhà đầu tư không có lợi nhuận, một thị trường chứng khoán sẽ thúc đẩy sự hấp dẫn nơi trú ẩn an toàn của vàng.

Mặc dù các biện pháp chính sách tiền tệ chưa từng có của Cục Dự trữ Liên bang đang thúc đẩy cổ phiếu tăng cao một cách giả tạo, McGlone cho biết yếu tố này đang chứng kiến lợi nhuận giảm dần. Ông nói thêm rằng đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi hiệu ứng in tiền của Fed biến mất.