Giá vàng trồi sụt, Ngân hàng nhà nước lãi to

Đại diện NHNN quả quyết rằng: “Dù mua hay bán thì mục tiêu trước hết của NHNN là mục tiêu chính sách nhằm định hướng, dẫn dắt thị trường, NHNN không đặt mục tiêu lợi nhuận”. Không đặt mục tiêu lợi nhuận nhưng lợi nhuận vẫn cứ đến và ai cũng nhìn thấy được, đó phải chăng là hệ quả tất yếu của “ưu thế” vừa là cơ quan hoạch định chính sách lại vừa tham gia mua bán?

Sáng qua (16/4), phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra trong bối cảnh thị trường vàng thế giới lao dốc thẳng đứng.

Trong vòng hơn nửa tháng, người trúng phiên đấu giá từ lần đấu thứ nhất chịu thiệt hại lên tới hơn 5 triệu đồng/lượng so với người trúng trong phiên thứ 7. Tuy nhiên cũng không thảm bằng tốc độ rơi tự do của giá vàng quốc tế trong cùng thời gian, từ vùng 1.606USD/ounce xuống còn 1.333USD/ounce, mất khoảng 300USD/ounce.

Biểu đồ giá vàng quốc tế từ 18 tháng 3 đến 15 tháng 4
Biểu đồ giá vàng quốc tế từ 18 tháng 3 đến 15 tháng 4

Phiên đấu thầu lần 7 mở ngày hôm qua – 16/4, NHNN “mạnh dạn” đặt mức giá sàn ở ngưỡng 38,67 triệu đồng mỗi lượng, giảm 5,14 triệu đồng/lượng so với phiên thứ nhất, mở ngày 28/3 (với mức giá sàn được đặt là 43,81 triệu đồng/lượng). Như vậy, sau 7 phiên đấu thầuNHNN đã cung ra thị trường 183.900 lượng vàng SJC, tương đương hơn 7 tấn vàng với giá bình quân vào khoảng 42 triệu đồng/lượng.

Nếu so với mức giảm thê thảm hiện nay thì người mua không khỏi “buốt ruột” khi số lượng vàng trên “bốc hơi” tới hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục dãn ra xa. Tạm tính, nếu cộng thêm cả chi phí nhập khẩu thì giá vàng NHNN mở đấu phiên hôm qua vẫn “chênh” tới 3-4 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế.

Theo giới kinh doanh vàng, 7 tấn vàng được NHNN tung ra vừa chủ yếu được sử dụng cho việc các tổ chức tín dụng chuẩn bị tất toán trạng thái vàng trước hạn chót 30/6. Qua chia sẻ của lãnh đạo một số ngân hàng thương mại với báo giới có thể thấy, họ đang phải chịu sức ép từ hai đầu: ở đầu bên này họ phải nhanh chóng tất toán trạng thái vàng, với sự giám sát của cơ quan thanh tra; trong khi ở đầu bên kia, thì thực tế vẫn chưa hết nợ với vàng tài khoản ở nước ngoài.

Kết quả là họ đang lỗ và có thể bị lỗ nặng ở cả hai chiều. Với sức ép tất toán, các nhà băng đang phải mua vàng miếng từ “cửa” đấu thầu NHNN với mức giá “chát” – chênh lệch lớn so với thế giới, từ 3-4 triệu đồng/lượng. Trong khi, với những cú rơi liên tiếp của giá thế giới, chênh lệch đang bị doãng rộng, vẫn phải tất toán, vẫn phải mua vào và “cắn răng” lỗ.

Nhiều người nói rằng, NHNN đã “gặp may” và “lãi to” trước sự “sụp đổ” bất ngờ của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, “bác” lại các ý kiến cho rằng NHNN đang thiên về kinh doanh nhiều hơn nhiệm vụ quản lý, vừa qua, ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN đã đăng đàn khẳng định, NHNN ngoài chức năng là cơ quan quản lý thì còn đảm nhiệm vai trò ngân hàng trung ương, và “với tư cách ngân hàng trung ương thì chúng tôi tham gia vào một số thị trường với vai trò kiến tạo và mua bán cuối cùng. Chẳng hạn với thị trường ngoại tệ, NHNN cũng thường xuyên tham gia ở cả hai chiều mua và bán mỗi khi thị trường cần có sự can thiệp. Với thị trường vàng miếng, chúng tôi cũng làm tương tự như vậy”.

Đại diện NHNN quả quyết rằng: “Dù mua hay bán thì mục tiêu trước hết của NHNN là mục tiêu chính sách nhằm định hướng, dẫn dắt thị trường, NHNN không đặt mục tiêu lợi nhuận”.

Không đặt mục tiêu lợi nhuận nhưng lợi nhuận vẫn cứ đến và ai cũng nhìn thấy được, đó phải chăng là hệ quả tất yếu của “ưu thế” vừa là cơ quan hoạch định chính sách lại vừa tham gia mua bán?

Chiều qua, giá vàng trong nước bất ngờ bất tăng trở lại gần 2 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào bán ra lần lượt 40,2 và 41,1 triệu đồng một lượng. Trong đó, giá bán ra tăng tới 2,5 triệu đồng so với mức đáy của buổi sáng, và giá mua vào tăng 700.000 đồng. Thị trường quốc tế cũng lần đầu tiên tăng trở lại, giá giao ngay trên bảng Kitco.com tăng nhanh qua 1.370USD một ounce, hồi phục gần 24USD so với buổi sáng.

Mai Hoa

Đọc thêm