Giá vàng trong nước “đứt nhịp” tăng, thế giới vọt lên mức lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay, giá vàng trong nước đột ngột giảm sau nhiều phiên tăng vọt trước đó. Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng mạnh chưa từng có, lên mức 2.044,80 USD/ounce .
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 69,20-71,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 2,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 2,6 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 70-72,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 1,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 2,5 triệu đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 69-71,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 2,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,8 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 2,8 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 2.044,80 USD/ounce, tăng 57,3 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (22.990), tương đương 57,27 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 14,53 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tăng mạnh do khủng hoảng địa chính trị thúc đẩy nhu cầu tài sản an toàn.

Ông Ole Hansen, chuyên gia phân tích của ngân hàng Saxo, cho biết vàng tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn có độ biến động thấp.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, vàng thường được coi là một kho lưu trữ giá trị an toàn trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu như hiện tại, có thể tạo ra một đợt tăng nữa để đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.072,50 USD từng xác lập vào ngày 7/8/2020 nếu tình hình xấu đi, trong bối cảnh lo ngại lạm phát tăng vọt như khi giá dầu tiếp tục leo thang và căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Đây là một yếu tố hỗ trợ rất mạnh cho mặt hàng kim loại quý.

Hiện tại, giới đầu tư dồn sự chú ý vào cuộc chiến Nga - Ukraine và động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) về việc tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 16/3 tới. Nếu FED lo ngại suy thoái và không tăng lãi suất hoặc vẫn giữ nguyên khả năng tăng lãi suất ở mức thấp 25 điểm phần trăm thì vàng được cho là có cơ hội tăng tiếp.