Dừng trích quỹ, giá xăng dầu vẫn tăng cao…
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, qua 19 kỳ điều chỉnh giá của Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu được giữ ổn định 10 lần, 2 lần giảm giá và 7 lần tăng giá. Trong đó, lần tăng giá cao nhất thuộc về kỳ điều chỉnh gần đây nhất với mức tăng 675 đồng/lit đối với xăng E5; 577 đồng/lit đối với xăng A95, đưa giá xăng dầu lên mức cao kỷ lục từ đầu năm đến nay, khi xăng E5 sắp chạm mức 21.000 đồng/lit (ở mức 20.906 đồng/lit), xăng A95 “đứng” ở mức 22.347 đồng/lit.
Như vậy, sau 3 đợt tăng giá liên tục (từ đầu tháng 9/2018), tổng cộng mỗi lít giá xăng E5 RON 92 đã tăng 1.296 đồng; xăng RON 95 đã tăng hơn 1.170 đồng. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, giá xăng dầu giữ được ở mức tăng nêu trên là do Liên Bộ quyết định dừng hoàn toàn việc trích quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) (các kỳ trước trích đều 300 đồng/lit) và tiếp tục chi Quỹ BOG ở mức khá cao, ở mức 1.563 đồng/lit đối với xăng E5 và 700 đồng/lit đối với xăng A95.
Đây không phải là lần đầu tiên Liên Bộ quyết định chi Quỹ BOG với mức khá cao này nhưng lại là lần lập kỷ lục về giá xăng dầu trong năm 2018. Ông Hải thông tin, từ đầu năm 2018 đến hết tháng 9/2018, Liên Bộ đã chi 5.500 tỷ đồng từ Quỹ BOG, hiện Quỹ này còn hơn 3.000 tỷ đồng. Trước mắt sẽ tạm thời dừng trích Quỹ BOG cho tới khi thị trường xăng dầu thế giới… hạ nhiệt.
Tuy nhiên, trong khoảng 1 tuần nay, giá xăng dầu trên thế giới tiếp tục tăng cao, trung bình tăng từ 0,7-0,9 USD/thùng/ngày. Điều này khiến giá xăng trong nước khó hạ dù Liên Bộ nhiều khả năng tiếp tục ngừng trích Quỹ BOG. Và đây sẽ là một thách thức không nhỏ cho việc điều hành xăng dầu khi nguồn chi Quỹ ngày càng giảm, trong khi giá xăng dầu trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, để giá xăng dầu không bị biến động quá lớn, gây ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế, trong 18 kỳ điều chỉnh giá trong 9 tháng qua, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã phải trích Quỹ BOG, tổng cộng khoảng hơn 18.000 đồng/lít, khiến cho mức chi Quỹ BOG cũng tăng cao. Trong khi đó, từ lần điều chỉnh mới đây nhất đã dừng trích Quỹ BOG, do đó, việc đối phó với điều hành giá xăng dầu trong 3 tháng cuối năm sẽ trở nên khó khăn hơn…
Giá xăng dầu đã tăng vượt mức đề ra của kịch bản lạm phát
Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% như Quốc hội đã đề ra, giá xăng dầu đang là điểm nóng nhất cần phải có biện pháp ứng phó cho phù hợp. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã từng cho biết, giá xăng dầu là thành tố quan trọng nhất trong nỗ lực kiềm chế chỉ số giá CPI (bên cạnh giá thực phẩm). Tuy nhiên, trong khi giá thực phẩm chưa có dấu hiệu biến động nhiều thì xăng dầu đã luôn tăng ở mức cao.
Trong các kịch bản lạm phát được đưa ra hồi đầu năm, giá xăng dầu ở mức 70-80 USD/thùng đã khiến khả năng kiềm chế lạm phát dưới 4% trở nên khó khăn. Nhưng hiện nay, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đều đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng. Thị trường xăng dầu trong nước sẽ diễn biến ra sao?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải, ở lần điều chỉnh gần đây nhất, đáng lẽ xăng đã phải tăng hơn 1.000 đồng/lit nhưng với cơ chế điều hành linh hoạt, giá xăng dầu đều tăng dưới mức 700 đồng/lit. Theo Thứ trưởng, đây là lợi ích rõ ràng của Quỹ BOG.
Tuy nhiên, việc ứng phó với giá xăng dầu tăng cao cũng không đơn giản trong những tháng cuối năm. Vì giá ở thị trường Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào giá thế giới. Trong khi đó, nếu không tiếp tục trích Quỹ BOG thì số dư trong Quỹ này sẽ hụt dần và Liên Bộ sẽ phải cân nhắc nhiều trong việc đưa ra mức chi Quỹ phù hợp nhằm đảm bảo vẫn còn công cụ để kiềm chế giá. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, sử dụng Quỹ BOG để kiềm chế giá mới là việc khó, còn việc để thị trường xăng dầu Việt Nam lên xuống theo thị trường thế giới lại là điều khá dễ dàng.
Thứ trưởng cũng cho rằng, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đang tăng theo quy luật được sử dụng nhiều hơn vào mùa đông. Hiện còn gần 5 tháng nữa tới Tết Nguyên Đán, cần phải “gia cố” Quỹ BOG trên cơ sở điều hành trích lập, “xả” Quỹ phù hợp với thực tiễn để BOG cả thị trường bảo đảm không tăng giá đột biến vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán và giữ được mức lạm phát như Quốc hội đã đề ra.