Giá xăng dầu tăng: Không có tình trạng “té nước theo mưa”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ Tài chính, việc giá xăng dầu tăng sẽ có tác động gián tiếp nhất định đến giá một số hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

7/11 nhóm hàng hóa dịch vụ giảm giá

Tháng 2/2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng tăng 1,52% so với tháng trước – là mức tăng cao của CPI tháng trong giai đoạn gần đây. 

Một trong số các nguyên nhân được Bộ Tài chính đưa ra là do giá xăng dầu tăng trong các kỳ điều hành gần đây khiến gia tăng áp lực lên các dịch vụ giao thông, vận tải. 

“Tuy nhiên, đóng góp chủ yếu trong mức tăng chung của CPI thực tế vẫn là tác động tăng theo quy luật của thị trường trong dịp cuối năm âm lịch, dịp Tết Nguyên đán, có thể kể đến như giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng theo quy luật trong một số thời điểm người dân tăng cường mua sắm chuẩn bị cho Tết, một số loại vật liệu xây dựng như thép tăng theo nhu cầu xây dựng của người dân cũng như do các yếu tố chi phí đẩy, một số dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng tăng theo nhu cầu người dân trong các dịp nghỉ lễ…” - Đại diện Bộ Tài chính phân tích.

Phân tích về việc giá xăng dầu tăng sẽ có tác động gián tiếp nhất định đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa, Bộ Tài chính cho rằng điều này đều nằm trong kịch bản đã được các bộ, ngành dự báo, tính toán. 

“Với các biện pháp quyết liệt đã triển khai, về cơ bản không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu…” - đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Qua theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính cho rằng, về cơ bản các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn đang được theo dõi cập nhật các diễn biến còn một số hàng hóa, dịch vụ có mặt bằng giá thấp như dịch vụ hàng không; lương thực, thực phẩm.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng ba tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016.

Trong mức giảm 0,27% của CPI tháng 3/2021 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất với 1,46%. CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29% so với bình quân cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua…

Bảo đảm nguồn cung

Để đảm bảo kiểm soát chung mặt bằng giá cả thị trường, nhất là để hạn chế tác động trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá các kịch bản điều hành giá cụ thể cho thời gian trọng điểm quý I cũng như cho cả năm 2021. 

Trên cơ sở đó, hiện các biện pháp về quản lý, điều hành giá cũng được các bộ, ngành triển khai toàn diện nhằm không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý, “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng hoặc trong các dịp cao điểm lễ, Tết. 

Theo đó, công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa cũng được các địa phương chủ động triển khai tốt, hàng hóa phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; công tác kiểm tra, kiểm soát về giá, thuế, phí cũng như chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được các cơ quan chức năng triển khai toàn diện, hiệu quả.

 Kết hợp với việc chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai tốt việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, điều hành giá đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra để tiếp tục kiểm soát tốt mặt bằng giá, góp phần ổn định đời sống người dân, hỗ trợ cho tăng trưởng và điều hành kinh tế vĩ mô.

Đọc thêm