Sáng nay, giao dịch lúc 7h30 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mốc 64,61 USD/thùng, giảm 0,30 USD/thùng và giảm 0,46% so với phiên giao dịch trước đó. Còn giá dầu WTI ở mốc 61,29 USD/thùng, giảm 0,28 USD/thùng tương đương giảm 0,50%.
Trong khi đó, cập nhật dữ liệu giá xăng trên thị trường Singapore đến ngày 20/5 cho thấy, giá xăng 92 dao động ở mức 74,8 USD/thùng, xăng 95 ở mức 76,3 USD/thùng, giảm 1,5 USD/thùng so với một tuần trước đó.
Trước tình hình xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước được dự báo giảm vào chiều nay. Cụ thể, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 có thể giảm 100 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut tăng từ 70-300 đồng/lít/kg.
Tương tự, mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo, tại kỳ điều hành ngày 22/5, giá xăng bán lẻ có thể giảm nhẹ 0,5 - 1,2%, trong khi giá dầu có thể tăng 0,9 - 2,5%.
Cụ thể, giá bán lẻ xăng E5 RON92 có thể giảm 96 đồng (0,5%) về mức 19.084 đồng/lít, còn xăng RON95 có thể giảm 235 đồng (1,2%) về mức 19.355 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá dầu bán lẻ kỳ này có xu hướng tăng 0,9 - 2,5%. Cụ thể dầu mazut được dự báo tăng 2,5% lên mức 16.564 đồng/kg, tiếp theo là dầu diesel có thể tăng 1,4% lên mức 17.461 đồng/lít, còn dầu hỏa có thể chỉ tăng 0,9% lên mức 17.375 đồng/lít.
Sáng nay, giá xăng trong nước được niêm yết ở mức: Xăng E5 RON 92 không quá 19.180 đồng/lít; Xăng RON 95-III không quá 19.594 đồng/lít; Dầu diesel không quá 17.228 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 17.226 đồng/lít; Dầu mazut không quá 16.160 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 20 phiên điều chỉnh với 9 phiên giảm, 8 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.
Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị để theo dõi sát sao thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu. Báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước đạt khoảng 9,1 triệu m3/tấn, hoàn thành 30,7% tổng nguồn tối thiểu phân giao cho năm 2025.
Về tiêu thụ, lượng xăng dầu các loại tiêu thụ trên cả nước đạt từ 8,5-8,8 triệu m3/tấn, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng xăng dầu các loại tồn kho, ước tính đến cuối tháng 4 khoảng 1,7-1,8 triệu m3/tấn.
Số liệu từ Cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 3,2 triệu tấn xăng dầu các loại, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam nhập khẩu xăng dầu các loại từ những thị trường chính bao gồm Indonesia với 9,9 triệu tấn tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2024 và Australia với 7,64 triệu tấn tăng 32,9%.