Luật BHXH số 71/2006/QH11 (Luật BHXH 2006) có câu “từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14%”. Từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp đã quen với việc phải kiểm tra xem năm tới doanh nghiệp phải đóng BHXH bao nhiêu phần trăm.
Điều này đáng lẽ được lãng quên khi Luật BHXH số 58/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1-1- 2016 (“Luật BHXH 2014) đã chốt tỷ lệ đóng cố định. Tuy nhiên, năm nay doanh nghiệp lại tiếp tục hỏi tỷ lệ đóng BHXH là bao nhiêu.
Ngoài yếu tố quen với “câu hỏi định kỳ hàng năm” thì còn có yếu tố khác là trong năm 2016 họ nghe phong phanh rằng một số khoản đóng BHXH có thể giảm như bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn. Thông tin này như một liều thuốc “tăng lực” cho doanh nghiệp. Bởi năm 2016 là một năm doanh nghiệp khá vất vả với khoản tiền đóng BHXH do nhiều quy định thay đổi. Thêm nữa, nghị định tăng lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng từ ngày 1-1-2017 càng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.
Mức đóng BHXH của người lao động và người sử dụng lao động năm 2017 là bao nhiêu?
Tìm kiếm câu trả lời này trên mạng thường nhận được kết quả là 32,5%, trong đó người sử dụng lao động đóng 22%, người lao động đóng 10,5% tiền lương tháng. Thực ra đây là mức đóng các loại bảo hiểm bắt buộc mà người lao động và người sử dụng lao động phải đóng hiện nay. Để trả lời chính xác mức đóng BHXH là bao nhiêu thì cần tìm hiểu thêm về khái niệm quỹ BHXH và đặt các quỹ bảo hiểm trong các quy định của luật chuyên ngành.
Luật BHXH hiện hành quy định “quỹ BHXH là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước” (điều 3.4 Luật BHXH 2014).
Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ tài chính được hình thành từ nguồn đóng bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế, chi phí quản lý bộ máy của tổ chức bảo hiểm y tế và những khoản chi phí hợp pháp khác liên quan đến bảo hiểm y tế (điều 2.3 Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12)
Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của quỹ BHXH; việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của luật này và Luật BHXH (điều 41.1 Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13).
Chiếu theo khái niệm “quỹ BHXH” thì tỷ lệ đóng BHXH 32,5% như trên là đúng, bởi quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng đều do người lao động và người sử dụng lao động đóng. Tuy nhiên, tại điều 82 Luật BHXH 2014 quy định các nguồn hình thành quỹ BHXH gồm (i) Người sử dụng lao động đóng theo quy định tại điều 86 của Luật BHXH 2014; (ii) Người lao động đóng theo quy định tại điều 85 và điều 87 Luật BHXH 2014;...
Theo quy định này thì mức đóng BHXH của người lao động và người sử dụng lao động chỉ trong phạm vi điều chỉnh của Luật BHXH. Trong đó, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại điều 86 đã hết hiệu lực và được chuyển sang cho Luật An toàn vệ sinh lao động điều chỉnh. Điều 41.1 Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 quy định quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của quỹ BHXH nên xem như đây chỉ là một sự dịch chuyển trong nội bộ quỹ BHXH.
Cho đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản nào quy định việc giảm mức đóng BHXH trong năm 2017.
Giấc mơ giảm mức đóng BHXH có thành sự thật?
Giấc mơ giảm mức đóng BHXH thực sự đã được nhen nhóm khi truyền thông truyền đi thông điệp của một cán bộ chủ chốt của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc cân nhắc giảm mức đóng BHXH. Liệu giấc mơ có thành sự thật, nếu có thì khi nào sẽ thành sự thật? Câu trả lời chính xác chỉ có thể là chờ đợi.
Tuy nhiên với những khái niệm về các quỹ bảo hiểm như trên thì quỹ BHXH cần được định nghĩa lại cho phù hợp. Đặt trong mối quan hệ với các loại quỹ bảo hiểm nêu trên, chúng ta chỉ có thể kỳ vọng vào việc điều chỉnh giảm tỷ lệ đóng từ người lao động (hiện nay là 8%) và người sử dụng lao động (hiện nay là 18%), vì quỹ bảo hiểm y tế do Bộ Y tế quản lý, quỹ bảo hiểm thất nghiệp được xác định là hạch toán độc lập, hơn nữa nó chỉ chiếm 1% thì cũng khó giảm.
Trong các quỹ thành phần của quỹ BHXH, quỹ tai nạn lao động có mức đóng 1% có khả năng giảm nhưng không nhiều. Quỹ ốm đau và thai sản chiếm 3% là khoản quỹ “thanh toán tươi” cho người lao động và nó được chi thường xuyên nhất cho người lao động, liệu có giảm xuống được dưới 3%? Cuối cùng, kỳ vọng nhất là có thể giảm quỹ hưu trí và tử tuất.
Đặt quỹ hưu trí và tử tuất trong chuỗi thời sự hiện nay thì khả năng giảm quỹ này cũng là điều khó khăn. Nguy cơ vỡ quỹ, đề xuất phương án tăng tuổi thọ nghỉ hưu để cân bằng thu - chi quỹ là những vấn đề nóng đang được đặt ra. Vì vậy, để giảm mức đóng, có thể mức hưởng chế độ hưu trí và tử tuất sẽ phải giảm xuống để cân bằng cán cân thu - chi quỹ này.
Điều này có lợi cho người sử dụng lao động nhưng người lao động lại chịu thiệt thòi. Bởi vì người sử dụng lao động giảm bớt mức đóng thì người lao động mất đi phần hỗ trợ này từ người sử dụng lao động khi hưởng chế độ BHXH.
Nếu thực tế, quỹ BHXH có thể giảm được mức đóng thì việc biến điều này thành sự thực là điều không mấy khó khăn. Văn bản pháp luật quy định cho rất nhiều cơ quan, tổ chức có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH như Hội đồng quản lý BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các cấp...
Nếu giấc mơ này không thành sự thật trong năm 2017 thì năm 2018 câu hỏi về mức đóng BHXH lại càng day dứt bội phần. Bởi vì theo quy định của Luật BHXH hiện hành, từ 1-1-2018 sẽ mở rộng thêm đối tượng đóng BHXH là lao động có hợp đồng lao động từ đủ một tháng và lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc hợp pháp.
Mức lương đóng BHXH còn tính thêm cả các khoản bổ sung khác. Điều này sẽ khiến cho khoản tiền đóng BHXH của doanh nghiệp tăng lên rất nhiều. Chưa kể, các doanh nghiệp thường có tiêu chí và ít nhiều thực hiện việc tăng lương hàng năm cho nhân viên. Lúc này doanh nghiệp lại phải nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật để cân đối khoản chi tăng lương này trước khi cầu cứu đến phương án giảm tỷ lệ đóng BHXH.